Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trọng khai thác mặt nước Hồ Tây

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Hồ Tây là điều cần thiết nhưng Hà Nội cần thận trọng trong việc lựa chọn các loại hình dịch vụ sẽ triển khai.

Bởi, nếu khai thác ồ ạt, thiếu tính toán sẽ là mầm mống của tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hồ Tây - lá phổi xanh lớn nhất Thủ đô.

Những lo ngại... có căn cứ

Theo dự thảo Quy định quản lý và khai thác Hồ Tây đang được UBND TP lấy ý kiến các sở, ban, ngành và người dân, sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động trên Hồ Tây gồm: Kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn và các dịch vụ du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; sân tập golf nước trên hồ...

Hoạt động thể thao trên Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động thể thao trên Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng
 

Quận Tây Hồ chính thức thành lập ngày 27/12/1995, trên cơ sở sáp nhập 3 phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ của quận Ba Đình và 5 xã Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La của huyện Từ Liêm (cũ). Hiện nay, toàn quận có 71 di tích lịch sử văn hóa, 42 di tích đã xếp hạng, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Đồng Cổ, chùa Vạn Niên, chùa Hoằng Ân… Cùng với đó là những làng nghề truyền thống cổ xưa như: Nghề trồng hoa, quất cảnh (Quảng Bá, Tứ Liên); nghề trồng đào truyền thống (Nhật Tân); nghề làm hương (Yên Phụ)... và nhiều sản vật nổi tiếng như bánh Tôm hồ Tây, bún ốc phủ Tây Hồ, chè sen Tây Hồ, xôi chè Phú Thượng…

Có thể nói, đây là một trong những chủ trương cần thiết nhằm giúp người dân Thủ đô và du khách thập phương có thêm những trải nghiệm thú vị khi đến với quận Tây Hồ cũng như Hồ Tây.

Ngoài ra, nếu được thông qua, đây cũng là điều kiện làm tăng sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân quanh Hồ Tây và quận Tây Hồ cũng có nguồn thu bền vững…

Điều này càng trở lên có ý nghĩa khi quận Tây Hồ đang nỗ lực, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Tuy nhiên, việc đề xuất cho phép quá nhiều loại hình kinh doanh, đặc biệt với hoạt động kinh doanh tàu du lịch, vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy… khiến nhiều người không hỏi lo lắng cho công tác đảm bảo cảnh quan, môi trường Hồ Tây. Bởi, trong quá khứ, sự tồn tại của những tàu du lịch, nhà nổi đã khiến hệ sinh thái, thủy sản trong hồ chết hàng loạt dẫn tới Hồ Tây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn nhớ, trước tình trạng trên, từ năm 2017, Hà Nội đã yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản của các DN trong phạm vi quản lý của Hồ Tây.

Thế nhưng, đến thời điểm này, số thuyền, nhà nổi bị yêu cầu dừng hoạt động vẫn chưa được di chuyển toàn bộ. Điều này khiến đề xuất đưa tàu thuyền hoạt động trở lại trên Hồ Tây đã vấp phải những ý kiến phản đối từ người dân cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, giá trị của Hồ Tây không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn có yếu tố văn hóa, tâm linh, là nơi mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của Hà Nội. Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, người dân trong nước và du khách nước ngoài…

Do đó, khi xây dựng quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, các cơ quan quản lý Nhà nước không nên chú trọng khai thác riêng lợi ích về kinh tế đơn thuần mà chú ý đến lợi ích văn hóa gắn với hồ Tây.

Môi trường – vấn đề sống còn của Hồ Tây

Liên quan đến công tác lấy ý kiến quản lý khai thác Hồ Tây, vừa qua, quận Tây Hồ đã tổ chức hội nghị xin ý kiến đóng góp dự thảo Đề cương Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận theo hướng phát triển của Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” và dự thảo “Phương án thiết kế đô thị tuyến đường Thanh Niên”.

Theo đó, đề án được xây dựng trên nguyên tắc bền vững và dài hạn, dựa trên ba trụ cột là kinh tế - xã hội và môi trường, tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo tính khả thi trong triển khai đề án, phù hợp với nguồn lực thực hiện của quận và TP giai đoạn 2021 – 2030 cũng như khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến chia sẻ, quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển của Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” là một nội dung mới, đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trên tinh thần dự thảo đề cương lần 1, quận muốn tiếp tục trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn để hoàn thiện đề án trình TP.

Trong đó, quận đã xác định sẽ tập trung vào việc đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận; xác định các giá trị văn hóa, cảnh quan, giá trị thiên nhiên cần được quản lý, bảo tồn ở Hồ Tây và vùng phụ cận.

Đồng thời đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận để xác định được các bất cập, điểm nghẽn cũng như học tập kinh nghiệm thực tiễn của một số Thủ đô, TP trên thế giới về quản lý, bảo tồn, khai thác hồ ở đô thị.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, Hồ Tây không chỉ có giá trị về mặt tâm linh mà còn là lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội.

Do đó, việc lựa chọn dịch vụ nào để đưa vào hoạt động trên hồ cần phải tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo môi trường của Hồ Tây. Bởi, đưa các loại hình dịch vụ vào khai thác trên Hồ Tây chắc chắn sẽ phát sinh về tiếng ồn, rác thải… Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì Hồ Tây sẽ lại rơi vào cảnh ô nhiễm, tác động tiêu cực đến các giá trị tâm linh và du lịch.

Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Kim Chi – một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về kỹ thuật bảo vệ môi trường ở Việt Nam cho biết, việc đưa vào khai thác các dịch vụ tàu thuyền trên Hồ Tây cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Theo giải thích của GS.TS Đặng Kim Chi, hiện nay, Hồ Tây đã bị ô nhiễm, bị tảo lam xâm lấn, tại các cửa tiếp nhận đã xuất hiện chất kháng sinh, kim loại nặng… Do đó, việc khai thác các loại dịch vụ gì cần phải được tính toán kỹ nếu không Hồ Tây sẽ “chết” dần.

 

Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận theo hướng phát triển của Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” đã xác lập được không gian để phát triển Hồ Tây và vùng phụ cận, quy chế quy định để quản lý Hồ Tây như: Nạo vét bảo vệ các loài thủy sinh, hệ thống bản đồ không gian chức năng. Quy hoạch bám sát quy hoạch phân khu khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 để triển khai thực hiện, mang tính định hướng, là kim chỉ nam cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận đạt hiệu quả cao, bền vững.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến