Thông qua các kết quả nghiên cứu, sáng tạo, người dân đã có những cách tiếp cận đa dạng, hiểu hơn về lịch sử. Tuy nhiên, để có được những hình ảnh phục dựng thuyết phục cần phải dựa trên các cơ sở, căn cứ khoa học.
Phỏng dựng bằng thực tế ảoSau sản phẩm phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột thời Lý, mới đây, Sen Heritage đã công bố bản phỏng dựng di sản thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo. Di sản được phỏng dựng là đài đèn và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý. Bản phỏng dựng này lấy cảm hứng từ những hiện vật khảo cổ kết nối với công nghệ thực tế ảo 3D- VR3D-VR để có thể đưa ra những phác thảo mô phỏng các di sản văn hóa thời Lý.
Tòa Thích Ca sơ sinh đặt trong ao Linh Chiêu, cạnh Liên Hoa Đài - trung tâm của chùa Diên Hựu thời Lý. Ảnh: Sen Heritage |
Qua đó, đưa những giá trị của văn hóa Lý - Trần nói riêng, cũng như văn hóa Đại Việt nói chung tới công chúng. Sau khi đeo kính với công nghệ thực tế ảo, người xem có thể nhìn thấy toàn bộ tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý ở chùa Diên Hựu. Họ cũng có thể gỡ từng bộ phận cấu thành của hiện vật này để xem kỹ, hoặc đi vòng xung quanh... Điều này hứa hẹn những tương tác với lịch sử giàu cảm xúc.Tại buổi tọa đàm, TS Trần Trọng Dương - thành viên Sen Heritage trình bày quá trình nghiên cứu từ hiện vật khảo cổ: Trụ đá Ngọc Hà, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh cho đến quá trình lắp ghép các mảnh vỡ lịch sử để tạo nên giả thuyết phỏng dựng Tu Di đài của thời Lý.
Theo TS Trần Trọng Dương: “Tu Di đài này có khả năng áp dụng cho nhiều loại hình hiện vật khác nhau như: Làm đài đèn hay đài sen đặt tượng Thích Ca sơ sinh. Từ việc giải mã ý nghĩa biểu tượng trên, bài thuyết trình đã dẫn dắt mở rộng hơn đến nghi lễ và lịch sử của lễ Phật đản trong văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như nghiên cứu so sánh sang các nền văn hóa khác ở Nam Á và Đông Á”.Tránh nhầm lẫn, dễ gây hiểu lầmTheo đánh giá của các chuyên gia, việc dựng lên một hình ảnh công trình, hiện vật lịch sử bằng công nghệ góp phần kích thích thị giác, tạo cho người xem sự lôi cuốn, mong muốn tìm hiểu về lịch sử. Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng chia sẻ: Việc chúng tôi đưa ra đài tắm Phật mang phong cách thời Lý là một trong đề án muốn góp phần đưa văn hóa Việt đến công chúng thông qua dự án cụ thể, để việc học lịch sử không bị khô cứng”.
Tuy nhiên, góp ý về những hình ảnh được Sen Heritage đưa ra, một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho rằng: Việc Sen Heritage phỏng dựng lại di sản thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo là một nỗ lực đáng khuyến khích, nhưng về cơ sở khảo cổ học vẫn còn chưa đầy đủ, xét về mặt khoa học còn nhiều nghi ngờ. Đây là điều khó khăn, điểm yếu đối với nhiều nhóm phỏng dựng kiến trúc, công trình hay hiện vật cổ vì không được tiếp cận và trực tiếp làm các quá trình khảo cổ. Chính vì vậy, các mô hình này dừng lại ở việc phỏng dựng, chưa phải phục dựng.Đơn cử, nhằm phục dựng đưa ra hình ảnh 3D của hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức tái điều tra khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu, giải mã loại hình, chức năng các loại ngói lợp mái; nghiên cứu mô hình kiến trúc đang lưu giữ tại các bảo tàng; di vật gỗ đào được tại di tích, sử liệu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh với kiến trúc kinh đô cổ ở nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và kiến trúc cổ ở miền Bắc Việt Nam..., để phát hiện thêm nhiều vấn đề khoa học.
Phát hiện quan trọng là “chìa khóa” để giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý là hệ thống đấu củng. Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã nghiên cứu phục dựng được hình ảnh 3D của hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể của hệ thống cung điện thời Lý ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long.Có thể thấy, việc tái hiện các hình ảnh trong lịch sử bằng công nghệ hiện đại đã đem lại những giá trị khác nhau cho công chúng. Về mặt thị giác, công nghệ đem lại sức sống, hứng thú cho người dân khi tiếp cận các công trình, kiến trúc, hiện vật được tái hiện. Tuy nhiên, về lịch sử, mỗi nghiên cứu mang một giá trị khoa học khác nhau cần được phân định rõ ràng, tránh nhầm lẫn khi đưa vào giáo dục.