Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khuyến nghị, DN Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế cho đội ngũ nhân lực của mình để phòng ngừa rủi ro, bảo vệ lợi ích chính đáng.
Phương thức L/C bảo lãnh xuất khẩu là an toàn và ít rủi ro nhất cho DN nhưng DN nông nghiệp “lợi nhuận mỏng như lá lúa”, trong khi chi phí ngân hàng cho dịch vụ này khá cao. Ông nói gì về điều này?
- Hiện nay, trong giao thương quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán. Mỗi phương thức có ưu, nhược điểm riêng. DN cần tìm hiểu kỹ các phương thức để lựa chọn phương thức cho phù hợp với yêu cầu, khả năng chấp nhận rủi ro và khả năng chi trả của DN mình. Nếu DN muốn đảm bảo khả năng rủi ro thấp thì cần phải trả chi phí cao cho phương thức thanh toán L/C là điều đương nhiên. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là nếu chọn phương thức thanh toán D/P, DN nên thỏa thuận với nhà nhập khẩu đặt cọc tối thiểu 50% và phải chọn ngân hàng uy tín.
Ông có thể đưa ra một vài khuyến nghị cho các DN Việt Nam khi hợp tác, kinh doanh với các đối tác nước ngoài?
Thứ nhất, về ký kết hợp đồng: DN cần xác định chủ thể ký kết hợp đồng. Chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Vì vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của cách bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
Thứ hai, về xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng: Một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều quan trọng là cần xác định cá nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên nên tìm hiểu các quy định về thẩm quyền và ủy quyền của quốc gia đối tác hoặc yêu cầu bên kia cung cấp các giấy tờ để chứng minh hoặc cam kết mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng.
Thứ ba, về hình thức hợp đồng: Việt Nam cũng đã tuyên bố bảo lưu Điều 11 của Công ước Viên 1980 nên nhất thiết các hợp đồng được ký kết phải thực hiện dưới hình thức văn bản. Nếu có sai phạm về hình thức, Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài tại Việt Nam có thể tuyên hợp đồng vô hiệu. Phương án tốt nhất khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là nên soạn thảo hợp đồng bằng văn bản vì các nội dung sẽ được thể hiện rõ ràng, tiện lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này.
Thứ tư, về chọn Luật áp dụng: Ngoài việc các bên phải ghi rõ luật áp dụng, thì điều khoản Incoterms (một bộ các quy tắc trong thương mại quốc tế) cũng thường xảy ra tranh chấp khi các bên không xác định cụ thể Incoterms năm nào hoặc ghi sai tên cảng. Thực tiễn xét xử cho thấy các trung tâm trọng tài thường chọn Incoterms năm gần nhất trong trường hợp các bên không ghi rõ. Bên cạnh đó, mỗi điều kiện Incoterms đi kèm cảng đến hay cảng đi khác nhau nên trong hợp đồng cần ghi chính xác.
Thứ năm, về ngôn ngữ trong hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết giữa các bên tới từ các quốc gia khác nhau với ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngôn ngữ có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc hiểu sai, nên tốt nhất các bên có thể sử dụng chung một ngôn ngữ. Nếu không muốn sử dụng chung một ngôn ngữ, hai bên cần ghi nhận thêm điều khoản số lượng các bản hợp đồng và giá trị pháp lý.
Trong vụ việc này, ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm gì trong việc chứng từ gốc bị mất hay không? Ông đánh giá thế nào về đạo đức, năng lực và khả năng tiếp cận thông tin từ nước ngoài của các ngân hàng?
- Trong vụ việc này, các DN đã sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P). Theo hình thức này, DN xuất khẩu sẽ trao chứng từ gốc cho ngân hàng Việt Nam để ngân hàng chuyển sang cho ngân hàng mà nhà nhập khẩu chỉ định. Nhận được chứng từ, ngân hàng đó sẽ yêu cầu DN nhập khẩu thanh toán, thanh toán xong mới trao chứng từ gốc để nhà nhập khẩu nhận hàng.
Theo Quy tắc thống nhất về nhờ thu (URC) số 522 của Phòng Thương mại quốc tế (ICC), trong phương thức thanh toán nhờ thu này thì ngân hàng chỉ có vai trò là trung gian thu hộ và có trách nhiệm xác định các chứng từ mình nhận được là đúng với chỉ thị nhờ thu và thông báo cho bên nhận không chậm chễ. Ngân hàng không có trách nhiệm trong việc xác nhận hàng hóa xuất khẩu, tính chính xác của bộ chứng từ giao hàng và không chịu trách nhiệm về việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ đang vận chuyển trên đường.
Vì vậy, nếu ngân hàng Việt Nam đã thực hiện đúng theo chỉ thị nhờ thu thì ngân hàng sẽ hoàn toàn được miễn trách nhiệm trong việc chứng từ gốc bị mất. Tuy nhiên, khi nhận thấy phương thức D/P sẽ tạo rủi ro cao đối với các DN xuất khẩu, ngân hàng nên tư vấn hoặc cảnh báo đối với DN trong nước trước khi tiến hành giao dịch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!