Thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và Công ty Him Lam đưa ra Đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam với quy mô trồng 200.000ha tại Tây Nguyên trong 5 năm tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca để tránh những hệ luỵ.

Theo Bộ NN&PTNT, cây mắc-ca có thể trồng được ở nước ta và đã được trồng khảo nghiệm thành công ở một số nơi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đưa vào sản xuất 10 giống và Chính phủ đã có chính sách khuyến khích tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, việc trồng mắc-ca ở Tây Nguyên với quy mô 200.000ha như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Him Lam đề xuất cần phải cân nhắc thận trọng. Hiện nay, trên thế giới sau nhiều năm phát triển mới chỉ có khoảng 80.000ha.

 
Cây mắc-ca (Ảnh: Internet)
Cây mắc-ca (Ảnh: Internet)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, đối với đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc xem xét bổ sung cây mắc-ca vào nhóm cây nông, công nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ
NN&PTNT đang lập quy hoạch phát triển cây mắc-ca, trước mắt dự kiến tới năm 2020 phát triển với quy mô khoảng 10.000ha, chủ yếu ở những địa bàn đã khảo nghiệm thành công, có hiệu quả ở Tây Bắc và Tây Nguyên và chỉ trồng những giống được Bộ công nhận, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen trong các vườn cà phê.