Thận trọng mở cửa trở lại

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng tình với chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm 2021 và việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022 với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, tại cuộc họp sáng 17/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, các Bộ, ngành địa phương bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội XIII; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm nỗ lực cao nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Với tình hình hiện nay, chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song, kinh tế phục hồi sẽ tăng năng lực chống dịch. 
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, với khả năng liên tục xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 nên cần có sự điều chỉnh về giải pháp, chiến lược phòng, chống dịch trong tình hình mới. Theo nhận định của Bộ Y tế, ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội hiện nay, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.
Thực tế, dự kiến dịch bệnh kéo dài từ 3 - 6 tháng, giờ đã gần 2 năm gây rất nhiều khó khăn cho DN. Nhiều ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không gần như tê liệt, các DN sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, lương thực thiết yếu… cũng lay lắt không tránh khỏi kiệt quệ. Lúc này phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Bởi vì kéo dài đóng cửa, nghĩa là các hoạt động kinh tế coi như đóng băng. Hoạt động của DN cũng vậy, nếu cứ để đất khô cằn thì cái cây ắt phải chết.

Trong vài tháng qua, cả thế giới luôn cố gắng chuẩn bị cho một tương lai "sống chung" cùng dịch Covid-19. Vaccine là giải pháp tốt nhất... có thể giúp ngăn ngừa biến chứng Covid-19 lâu dài bằng cách giảm cả khả năng nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tại Việt Nam cũng vậy, quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; mở cửa có lộ trình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Chúng ta đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; thời gian tới, phải kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc, phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ tình hình thực tế.

Các chuyên gia đều đồng tình, với tình hình hiện nay, chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song, kinh tế phục hồi sẽ tăng năng lực chống dịch. Hiện, các biện pháp được đề ra là sẽ tiếp tục triển khai bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine, tăng cường khả năng y tế đáp ứng 4 tại chỗ về xét nghiệm, truy vết, điều trị. Với chương trình phục hồi kinh tế tập trung vào 4 trụ cột chính như: Từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công; hỗ trợ DN phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư ; cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động...

Giai đoạn 2021 - 2025 và đặc biệt trong những tháng còn lại của năm 2021 còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Chính phủ và các cấp, các ngành phải nỗ lực. Với sự đồng hành của Nhân dân và cộng đồng DN tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao.