Thận trọng với lạm phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,6% và chưa có dấu hiệu tăng trở lại ngay cả khi đã vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vẫn cần cẩn trọng và không thể chủ quan với lạm phát trong năm 2016.

Nhiều yếu tố tác động

Những lo ngại này đến từ một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát năm 2016. Đầu tiên đó là việc điều chỉnh giá các nhóm hàng dịch vụ công và hàng thiết yếu như giá hàng dịch vụ giáo dục, sức ép vào quý I. Thứ hai là sắp tới có thể ban hành việc tăng giá dịch vụ y tế: Bộ Y tế đã phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu đánh giá tác động, có thể trong quý I sẽ tăng giá y tế và tác động tới CPI. Ngoài ra, giá một số hàng hóa thiết yếu khác cũng có thể tác động, mặc dù để ổn định kinh tế vĩ mô, những chính sách bình ổn giá luôn được ưu tiên. Bên cạnh đó, tăng lương cơ sở cho khu vực Nhà nước thêm 5% (từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng) kể từ 1/5 và điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực DN kể từ 1/1 cũng được coi là những yếu tố sẽ tác động đáng kể đến CPI năm 2016.
Khách hàng chọn mua hàng tại Hội chợ Xuân 2016. 	Ảnh: Công Hùng
Khách hàng chọn mua hàng tại Hội chợ Xuân 2016. Ảnh: Công Hùng
Song, năm 2016 cũng có những yếu tố khiến chỉ số giá giảm. Rõ nét nhất là giá dầu thô có thể tiếp tục giảm khi sản lượng dầu thô đang tăng, nhất là có thêm nguồn cung từ Mỹ và Iran. Ngoài ra, giá nông sản giảm cũng sẽ tác động không nhỏ đến CPI. “CPI ở mức cao thường duy trì dài hơn là ở mức thấp, vì vậy khả năng CPI năm 2016 có thể ở mức cao nếu chúng ta không có những biện pháp điều hành gắt gao, thậm chí CPI có thể vượt mục tiêu 5% đã đề ra” - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Vũ Thị Thu Thủy nhận định. Bà Thủy cũng nhấn mạnh, lạm phát cao luôn tiềm ẩn, do đó theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng. Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, vì thế việc quan trọng là phải kiểm soát lạm phát, chủ động, không nên để lạm phát cao rồi mới kiềm chế. Như vậy, nền kinh tế mới phát triển bền vững.

Ưu tiên ổn định kinh tế

Nhận định về kinh tế năm 2016, một số chuyên gia cho rằng, lạm phát thấp sẽ làm tăng trưởng giảm, không kích thích DN sản xuất. Theo TS Nguyễn Minh Phong, khi chỉ số giá tăng thấp sẽ kích thích sức mua, bởi vì khi đó thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng lớn: “Người dân có thể thấy nền kinh tế ổn định, giá thấp thì dành nhiều thu nhập cho chi tiêu, từ đó kích thích tổng cầu. Do đó, tăng trưởng từ nhu cầu tăng lên sẽ bền vững hơn tăng trưởng dựa vào giá tăng”.

Tại Hội nghị trực tuyến “Chính phủ với các địa phương” vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu trước hết phải kiểm soát tốt lạm phát, không chủ quan với lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định của nền kinh tế. Ở một góc độ khác, theo Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 vừa được công bố mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thì so với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 có nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá. Phân tích những nhân tố chủ yếu tác động đến lạm phát năm 2016, Ủy ban cho biết, giá hàng hóa thế giới được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2016, giúp giảm giá hàng hóa tiêu dùng cũng như chi phí sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mức giảm giá hàng hóa thế giới trong năm 2016 được dự báo thấp hơn trong năm 2015. Do đó, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản sẽ không lớn như trong năm 2015. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định trong 3 năm gần đây (2013 - 2015) giúp ổn định tâm lý lạm phát của dân chúng. Tổng cầu năm 2016 mặc dù có phần tăng khá hơn năm 2015, qua đó tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng không lớn và trong phạm vi kiểm soát, ngay cả khi tính đến tác động của tăng lương công chức trong năm 2016. Tổng hợp các yếu tố trên và chưa tính đến tác động của điều chỉnh chính sách (về giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo năm 2016, lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng  2 - 3%.