Chưa có thống kê chính xác cho biết Hà Nội hiện có bao nhiêu xe mô tô, xe máy tham gia kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng, con số này có thể đến hàng chục ngàn; riêng các thương hiệu lớn như Grab, Gojek, Bee, Fastgo, My Go đã có thể có tới vài vạn xe. Đây chính là một trong những nhóm đối tượng tiềm ẩn nguy cơ rất cao nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19. Vừa qua, tại Đà Nẵng đã có một trường hợp tài xế xe Grabbike mắc Covid-19, TP đã phải cho tạm dừng hoạt động loại hình này. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển hàng, đi lại bằng xe ôm, xe công nghệ lại càng tăng cao. Trong khi xe buýt, xe khách phải giãn cách, giảm lượng khách, taxi phải đảm bảo nhiều biện pháp chống dịch ngặt nghèo, xe ôm lại không dễ để quản lý, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Đặc biệt đội ngũ xe ôm truyền thống, tự phát tại các bến xe, bệnh viện… là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cao nhất. Cần phải hết sức chú ý, có biện pháp hữu hiệu ngay lập tức để ứng phó với nguy cơ trong nhóm này” - ông Phan Trường Thành nói.Anh Phạm Văn Vị (Thanh Oai), tài xế xe ôm chia sẻ: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng rất ý thức tự bảo vệ mình, đeo khẩu trang, mang theo nước rửa tay sát khuẩn… nhưng làm sao dám chắc mình sẽ tránh được hoàn toàn nguy cơ lây bệnh”. Thực vậy, việc tiếp xúc với nhiều người hàng ngày, đi đến khắp nơi, chỉ cần sao nhãng trong một thoáng là các tài xế xe ôm có thể nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây khó truy vết.Nỗ lực phòng ngừaPhó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với xe mô tô hai bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn TP, Sở GTVT đã đề nghị các địa phương, DN theo dõi sát sao, đôn đốc thực hiện tốt các biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.Ông Đào Việt Long nhận định: “Chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị vận tải, tổ, đội, cá nhân hành nghề xe ôm trên địa bàn, thực hiện nghiêm biện pháp, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Thông điệp 5K. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe hai bánh phải lập và lưu trữ danh sách phương tiện, lái xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển. Yêu cầu tài xế phải khai báo y tế, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin hành khách cho các cơ quan chức năng thực hiện truy vết khi có yêu cầu.Các hãng xe, cá nhân hành nghề nên khuyến khích hành khách sử dụng những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; luôn mang theo dung dịch sát khuẩn trên xe; hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang đúng cách. Từ chối phục vụ đối với hành khách không đeo khẩu trang và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; thường xuyên vệ sinh phương tiện, đảm bảo phương tiện phải sạch sẽ, tránh tối đa việc lây nhiễm dịch. Trong quá trình vận chuyển hành khách và giao hàng hóa, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc gần.Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại, đối với các tài xế xe ôm, đặc biệt là xe ôm truyền thống, kinh doanh tự phát, không tham gia vào tổ chức, DN nào, việc khai báo y tế, lưu trữ thông tin phục vụ truy vết khi cần là đặc biệt khó khăn. Sở GTVT Hà Nội và các địa phương cần có biện pháp giám sát chặt chẽ nhóm đối tượng này.