Thận trọng với quy định bỏ án tử hình tội danh kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (đoàn Lai Châu) phát biểu tại phiên họp.

Ngày 16/6, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi). Trong đó, vấn đề xử lý hình sự đối với tội danh kinh tế, có bỏ án tử hình với người trên 70 tuổi phạm tội hay không là những vấn đề ĐB đặc biệt quan tâm.
Dự thảo Bộ Luật trình Quốc hội đã loại bỏ xử phạt tử hình đối với tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên rất nhiều ĐB đã bác bỏ và đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc kỹ để không làm mất lòng tin của Nhân dân.
Đại biểu Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (đoàn Lai Châu) phát biểu tại phiên họp.
Kinhtedothi - Đại biểu Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (đoàn Lai Châu) phát biểu tại phiên họp.
Dưới quan điểm của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh (đoàn Lai Châu), mục tiêu của những sai phạm kinh tế là thu lợi nhuận bất chính, không đúng các quy tắc quy định. Vì thế phải có giải pháp để xử lý cho đúng bằng các biện pháp kinh tế nhằm mục tiêu thu hồi lợi nhuận phi pháp, thậm chí phạt nặng hơn để ngăn chặn hành vi trong tương lai; trừ những trường hợp đặc biệt gây ra hậu quả nặng nề thì truy tố hình sự. "Trong nhiều trường hợp xử lý hình sự chưa chắc đã tốt, vì không thu hồi lại được khoản tiền phi pháp, không thu hồi được tài sản bị thất thoát. Việc hình sự hóa mà tội danh không rõ ràng sẽ là rào cản, cản trở sự phát triển kinh tế. Khi làm Luật, phải đảm bảo lợi ích cho số đông, một số vi phạm thì phải có chế tài xử lý riêng biệt, không phải vì một số ít vi phạm mà đưa ra Luật phổ cập để áp dụng đối với tất cả mọi người… Tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… Dự thảo Luật đã bỏ, nhiều ý kiến ĐB cho rằng không nên bỏ, nhưng tôi đề nghị phải bỏ" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) thẳng thắn nêu quan điểm không đồng tình với ý kiến này. Theo ĐB, tội phạm kinh tế nếu không bị phát giác thì họ sẽ tự tung tự tại để sống sang trọng cả đời, nếu bị phát giác mà có tiền nộp thì vẫn mua được mạng sống, điều này làm cho pháp luật mất cân bằng, méo mó. Ngân sách Nhà nước rất cần tiền nhưng không phải bất chấp nguy hại để thu tiền. "Thế nào là khắc phục xong hậu quả nghiêm trọng? Hình thức này chỉ áp dụng đối với người giàu tiền nhiều của" - ĐB khẳng định và đề nghị cần cân nhắc hết sức thận trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra công bằng trong xã hội.

Cùng chung quan điểm không đồng tình bỏ phạt tử hình đối với tội phạm kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng: Nếu bỏ xử phạt tử hình án kinh tế là không công bằng với các án tử hình khác, tạo kẽ hở cho tội tham nhũng, lợi dụng dùng tiền để đổi mạng.

Nhấn mạnh về tội danh tham nhũng, ĐB Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư (đoàn Phú Thọ) cho rằng: Dự thảo Bộ Luật mới quy định ở tội nhận hối lộ, còn các tội về đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì chưa đề cập. ĐB cũng đề nghị không nên bỏ tội danh cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bởi sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Trong phiên thảo luận, các ĐB cũng không đồng ý bỏ hình phạt tử hình với người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Dẫn ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người trên 70 tuổi, thậm chí trên 80 tuổi gây ra, ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) kiên quyết: "Quy định như Dự thảo sẽ khiến dư luận rất bức xúc". Các ĐB cũng đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Chống loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh.

Do những quan điểm vẫn còn khác nhau với các quy định của Dự thảo, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội sau kỳ họp này cần triệu tập hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách để thảo luận, mổ xẻ mọi khía cạnh của luật này, để đảm bảo không vênh với hệ thống các Dự Luật khác. "Đơn cử, một trong vấn đề còn nhiều ý kiến tranh cãi hiện nay là có nên áp dụng xử hình sự với pháp nhân hay không? Pháp nhân là người đại diện trước pháp luật, cần xác định rõ như vậy. Pháp nhân vi phạm pháp luật thì người đại diện phải chịu trách nhiệm. Tôi ủng hộ pháp nhân là phải chịu hình sự nhưng cần quy định chặt chẽ, và chủ yếu áp dụng ở lĩnh vực kinh tế" - ĐB nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần