Theo Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ vừa tiến hành ký Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong năm 2023.
Hoạt động này nhằm tạo cơ sở nhằm đặt nền móng vững chắc tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, kế thừa tiền lệ về việc tổ chức làm việc, trao đổi nội dung công tác theo tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa” đã được thống nhất giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ.
Biên bản ghi nhớ nêu rõ 8 trọng tâm nội dung công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ trong năm 2023.
Đáng chú ý, trong năm nay, sẽ sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh theo các nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ theo dõi, hướng dẫn và sơ kết để báo cáo UBTV Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2023, trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023; Ủy ban Pháp luật có trách nhiệm chủ trì thẩm tra.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và các luật liên quan; Luật Hoạt động chữ thập đỏ, các quy định pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024-2025. Trong đó, Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng nội dung báo cáo; Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện và đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nếu đáp ứng yêu cầu.
Cũng trong năm nay, hai bên sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của UBTV Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030: Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ được giao; Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia ý kiến, tổ chức họp thẩm tra các nội dung thuộc thẩm quyền, giám sát việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi có yêu cầu.
Cũng về nội dung này, trong năm sẽ xây dựng, thẩm tra các đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp ĐVHC trình UBTV Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Hai cơ quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nghị quyết về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp ĐVHC trước khi trình UBTV Quốc hội, Quốc hội ký ban hành.
Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bội Nội vụ có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu suất cao, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá tốt, nhất là trong xây dựng hoàn thiện pháp luật và công tác giám sát. Cả hai cơ quan đã hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ phối hợp đã đề ra trong năm 2022, không có nhiệm vụ chậm trễ hoặc chưa hoàn thành; đã tích cực trao đổi thông tin, tham vấn ý kiến, chia sẻ khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu quá trình rà soát, nghiên cứu phương hướng, cách thức, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao (từ cấp chuyên viên, cấp vụ và cấp lãnh đạo hai cơ quan).
Phát huy kết quả đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong năm 2023 và tiếp theo, hai bên tiếp tục quan tâm tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục về tiến độ, kế hoạch thực hiện, những khó khăn vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phối hợp nghiên cứu, có giải pháp khắc phục; cầu thị, sẵn sàng chia sẻ thông tin, chung sức khắc phục khó khăn vướng mắc nhằm đảm bảo công việc đạt chất lượng cao.