Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tháng 5 nhớ lời Bác

Kinhtedothi - Tết Kỷ Dậu 1969, dù sức khỏe yếu, Bác vẫn có chương trình đi chúc Tết, về thăm đồng bào xã Vật Lại, huyện Ba Vì và trồng cây đa ở thôn Yên Bồ, trên đồi Đồng Váng. Đây là cây đa cuối cùng Bác trồng trước lúc đi xa. Những cây đa Bác Hồ trồng, tất cả đã sum suê tỏa bóng mát cho đời và lưu lại mãi lời dạy của Người dành cho con cháu mai sau.

Những ngày tháng 5 này, người Hà Nội cùng du khách có dịp qua đường Lê Duẩn, đoạn từ phố Đại Cồ Việt đến phố Trần Nhân Tông đều cảm thấy ngỡ ngàng trước một khung cảnh mới mẻ. Thay cho dãy tường rào cũ kỹ cùng vỉa hè bong tróc trước đây là một không gian xanh thoáng đãng, thân thiện. Tường rào ngăn cách vỉa hè với không gian công viên được dỡ bỏ. Hơn 700m vỉa hè được lát mới, có bồn trồng hoa, cây xanh. Những trụ đèn chiếu sáng, đèn trang trí kiểu cách duyên dáng được lắp đặt dọc tuyến. Cổng chính Công viên Thống Nhất được khoác lớp sơn mới…

Dù là đi bộ, đi xe, thậm chí từ khung cửa sổ những chuyến tàu Thống Nhất xuyên Việt, du khách cũng có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh không gian xanh rộng mở cùng những con đường rợp bóng cây xanh trong công viên lớn nhất Thủ đô này. Thật xúc động khi chứng kiến những cây cổ thụ trong công viên bị gãy đổ do cơn bão Yagi hồi tháng 8/2024 đã lấy lại màu xanh, đặc biệt là cây đa quý do Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng trong dịp Tết trồng cây đầu tiên mùa Xuân Canh Tý, sáng 11/1/1960, mà người dân Thủ đô cùng cả nước gọi một cách thân thương là Cây đa Bác Hồ.

Nhắc tới kỷ niệm về Cây đa Bác Hồ lại nhớ đến lời dạy của Bác về quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội ngày 12/9/1959, Bác nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh cản trở sự đi lại của Nhân dân, làm từng bước, tránh làm rồi lại phá đi và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là TP phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp.

Cây đa Bác trồng năm xưa giờ đã trở thành cổ thụ. Ảnh: QĐND.vn

Có thể nói, Bác Hồ là vị lãnh tụ đầu tiên quan tâm thường xuyên và sâu sát đến vấn đề trồng cây gây rừng. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc đem lại lợi ích kinh tế cùng màu xanh cho đất nước, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho Nhân dân, đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Hà Nội là nơi Bác thể hiện sự quan tâm đó với những dịp Người cùng Nhân dân Thủ đô tham gia Tết trồng cây.

Sau cây đa trồng trên bán đảo Dừa ở phía Nam Công viên Thống Nhất Tết trồng cây đầu tiên năm 1960, vào Tết Ất Tỵ 1965, Bác trồng thêm hai cây đa cho Hà Nội. Một cây Bác trồng ở địa phận thôn Thiên Hội, xã Đông Hội huyện Đông Anh, cạnh đường rẽ vào đền Cổ Loa. Cây thứ hai Bác trồng ở hợp tác xã Phú Diễn huyện Từ Liêm. Lần trồng cây này, nói chuyện với cán bộ và Nhân dân địa phương, Bác căn dặn: “Trồng cây nào phải tốt cây ấy”.

Cây đa cuối cùng Bác trồng là vào năm 1969, khi Người đi chúc Tết, về thăm đồng bào xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Bác đã trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ. Cây đa Bác trồng đã sum suê tỏa bóng.

Và không chỉ có những cây đa. Nhiều người dân Hà Nội còn biết gần Quảng trường Ba Đình, trên khoảng sân phía sau chùa Một Cột, có một cây bồ đề đặc biệt. Đó là cây bồ đề được tách từ cội cây nơi Phật Thích Ca đắc đạo, do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng Bác Hồ nhân dịp Người sang thăm Ấn Độ năm 1958. Sau khi về nước, Bác Hồ đã đem trồng cây bồ đề tại đây. Có thể nói, cây bồ đề chùa Một Cột là một biểu tượng cho tình hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ. Sau hơn 6 thập niên sinh trưởng ở Hà Nội, cây đã đạt đến vóc dáng cao lớn, với chiều cao khoảng 20m, gốc to cỡ ba người ôm. Tán cây vươn rộng, xanh tốt. Ở Hà Nội còn có một “người anh em” với cây bồ đề ở chùa Một Cột. Đó là cây bồ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ngài Rajendra Prasad, vị Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Ấn Độ, trồng vào tháng 3/1959. Cả hai cây bồ đề nói trên đều được chiết từ cây bồ đề Tổ ở làng Bodh Gaya của Ấn Độ, nơi Đức Phật giác ngộ được chân lý, đắc đạo sau 49 ngày thiền định.

Về câu chuyện Bác Hồ trồng cây ở Hà Nội, không thể không nói tới cây vú sữa mà đồng bào miền Nam gửi tặng, được Bác trồng trong vườn Phủ Chủ tịch. Đây có thể được coi là cây xanh đầu tiên Bác trồng trên đất Thủ đô. Hằng ngày, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cho cây vú sữa. Mùa Đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi ngã đổ. Tháng 5/1958, Bác Hồ chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn. Cuối năm đó, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn. Những lúc làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người.

Làm theo lời Bác, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo cùng các chủ trương, chính sách về Thủ đô Hà Nội. Gần đây nhất, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện... Đặc biệt là hệ thống cây xanh luôn được quan tâm bảo toàn, phát triển. Tháng 5 này cũng là thời điểm Hà Nội đẩy mạnh phong trào xây dựng Thủ đô xanh, sạch đẹp với điểm nhấn là các dự án hồi sinh các dòng sông nội đô mà trước mắt là sông Tô Lịch, hay dự án cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Gươm, chỉnh trang, tái thiết, khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Cả hai công trình đều nhằm mục đích tạo thêm không gian xanh cho TP, đáp ứng yêu cầu của người dân và đều đặt mục tiêu cán đích vào 2/9/2025, nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân đang thi đua lập thành tích kỷ niệm lần thứ 135 ngày sinh của Bác. Sáng tháng 5 đi bên hè Công viên Thống Nhất, nhìn tán cây xanh mướt sau những cơn mưa đầu Hạ, lại nhớ lời dạy của Bác năm nào. Thấy vui và tự hào vì Hà Nội đã và đang thực hiện lời dạy và mong muốn của Bác: TP phải có nhiều cây xanh…

60 năm trước, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc

60 năm trước, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến”

Giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến”

18 May, 08:46 AM

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến (1947 - 2027), ngày 17/5, tại nhà Văn hóa xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến phối hợp Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình và Huyện ủy Nho Quan, Huyện đoàn Nho Quan tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến”.

Ấn tượng "Sắc vóc non cao": khi thổ cẩm kể chuyện văn hóa đại ngàn

Ấn tượng "Sắc vóc non cao": khi thổ cẩm kể chuyện văn hóa đại ngàn

18 May, 06:28 AM

Kinhtedothi- Tối 17/5, tại Bảo tàng Đắk Lắk (đường Phan Đình Giót, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình Thời trang Thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 với chủ đề “Sắc vóc non cao”.

Đặc sắc chương trình khai mạc kết hợp với biểu diễn nghệ thuật “Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội”

Đặc sắc chương trình khai mạc kết hợp với biểu diễn nghệ thuật “Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội”

18 May, 06:14 AM

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025, tối 17/5, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm diễn ra chương trình khai mạc kết hợp với biểu diễn nghệ thuật “Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội”. Tham dự buổi lễ có Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ