Tháng 9/2022 sẽ trình dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay, 20/6, tại họp báo định kỳ và gặp mặt phóng viên, biên tập viên nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cung cấp những thông tin đáng chú ý về các lĩnh vực hoạt động quan trọng của Bộ...

Trong đó, trả lời báo chí xung quanh việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến Nhân dân về đề xuất tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất đối với ông Nguyễn Văn Trì, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang gây xôn xao dư luận, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang khẳng định: Việc Vĩnh Phúc lấy ý kiến trên Cổng TTĐT của tỉnh mới chỉ là một bước trong quy trình thi đua khen thưởng. Sau khi tiếp nhận ý kiến của Nhân dân trong khoảng thời gian nhất định thì sẽ hoàn tất thông tin, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Quang cảnh họp báo cung cấp thông tin định kỳ sáng 20/6 tại Bộ Nội vụ
Quang cảnh họp báo cung cấp thông tin định kỳ sáng 20/6 tại Bộ Nội vụ

"Hiện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chưa nhận được tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, song chúng tôi suy nghĩ rằng ông Nguyễn Văn Trì đã nghỉ hưu, nên đề nghị khen thưởng này là đề nghị khen thưởng cống hiến trong thời gian ông ấy giữ chức vụ lãnh đạo ở địa phương. Theo quy định hiện hành về khen thưởng cống hiến, nếu bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên thì hạ một mức khen thưởng. Khi tiếp nhận hồ sơ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi sẽ xem xét, đối chiếu các quy định liên quan và có ý kiến chính thức" - ông Phạm Huy Giang cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, các quy định khen thưởng của Nhà nước hiện rất chặt chẽ, được xây dựng một cách thận trọng và đảm bảo đúng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh trao đổi tại họp báo
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh
trao đổi tại họp báo

Đặc biệt, liên quan vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm là về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh cho hay, việc đổi mới nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức là một nội dung mà Bộ Nội vụ cũng như Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức 3 cuộc hội thảo góp ý dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sau khi dự thảo Nghị định được hoàn thiện, Bộ sẽ gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải công khai xin ý kiến Nhân dân trên Cổng TTĐT Bộ Nội vụ, dự kiến hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 9/2022.

“Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nên việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực áp dụng ngay, chứ không phải thí điểm nữa. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thể chế hóa bằng nghị định. Khi nghị định này có hiệu lực, tất cả các kỳ tuyển dụng công chức trên cả nước phải được áp dụng thống nhất chứ không áp dụng quy định về tuyển dụng công chức như hiện nay” - ông Nguyễn Tuấn Ninh nhấn mạnh.