Tháng Ba, có những ngày, Hà Nội bỗng trở lạnh đột ngột sau quãng thời gian nắng xuân óng ả dạo gót. À phải rồi, dân gian vẫn có câu: “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân” mà. Có thể nói, rét đài, rét lộc chính là khúc giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân.
Cái lạnh của mùa xuân có nét riêng thật khác biệt. Tuy giá rét, nhưng cỏ cây hoa lá vẫn căng tràn nhựa sống bởi được tận hưởng những giọt mưa xuân lất phất Ban rải muôn nơi. Chỉ sau vài đêm “uống mưa xuân”, Bao chồi non lộc biếc rủ nhau tách vỏ cây xù xì, chui ra từ nách lá, phủ màu xanh non tơ khắp các tán cây.
Tháng Ba, phố Hà thành ngát thơm hương bưởi. Các bà các mẹ chọn những cành hoa bưởi trắng tươi đưa về dâng cúng gia tiên. Không chỉ có thế, với tài vén khéo của người phụ nữ Hà thành, các bà các mẹ còn ướp hoa bưởi vào bột sắn dây, hấp mía.
Tháng Ba tuổi thơ tôi là những ngày háo hức đợi mẹ hấp mía với hoa bưởi. Những gióng mía mật căng mọng được mẹ róc sạch, cắt khúc, hấp với hoa bưởi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ vị ngọt lịm, hương thơm thanh mát của thức quà thời thơ ấu.
Tháng Ba, hoa gạo khoe sắc đỏ rực trên cành. Văn phòng cũ của tôi trên phố Yên Phụ, mỗi lần đi qua đường Trần Khánh Dư, Bao giờ tôi cũng ngước nhìn cây gạo cổ thụ gần Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Những bông hoa gạo đỏ thắm chao nghiêng theo gió xuân, nhẹ nhàng đậu trên hè phố. Có một điều khá thú vị, ngay cả khi lìa cành, hoa gạo vẫn giữ sắc đỏ tươi tựa như có những mối nhân duyên trong đời dẫu năm tháng trôi, dẫu cách xa nghìn trùng vẫn mãi thắm đượm không phai.
Nếu đến Hà Nội vào tháng Ba, bạn sẽ ngẩn ngơ lưu luyến trong vũ điệu của những hàng cây thay lá. Hà Nội mùa này mỗi cây khoe sắc một màu. Lộc vừng trổ lộc đỏ thắm, lá sấu vàng tươi, búp bàng xanh non... Từ trên tầng cao, thả tầm mắt xuống khu vực hồ Thuyền Quang, hồ Trúc Bạch, hồ Gươm... ta lặng ngắm bức tranh thiên nhiên với Bao gam màu đậm nhạt huyền ảo. Khúc nhạc của lá tạo nên bản hòa tấu sắc màu tuyệt vời trong tháng Ba.
Có ai đó đã ví hoa sưa là “tuyết tháng Ba” khi ngắm nhìn những cánh hoa trắng muốt, bé xinh bay la đà trong gió xuân. Hoa dịu dàng đậu trên tóc, trên vai áo người đi trên phố. Hương hoa sưa thanh nhẹ, người ta thường chỉ “cảm” được vào sáng sớm và khi đêm xuống tĩnh lặng. Mùa hoa sưa đến nhanh và đi nhanh, vậy nên, thường để lại chút tiếc nuối trong lòng những ai lỡ hẹn cùng “tuyết tháng Ba” trên đất Hà thành.
Tháng Ba, khi chạy xe trên các tuyến phố Nguyễn Du - Trương Hán Siêu, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Bắc Sơn - Hoàng Diệu... ta như lạc giữa Tây Bắc trong lòng Hà Nội. Đặc biệt, đường Bắc Sơn có hai hàng hoa Ban Tây Bắc được trồng khá dày và thường đồng loạt bung nở. Những cánh hoa trắng pha lẫn phơn phớt tím hồng dập dờn trong nắng sớm tựa như đàn bướm đang vui đùa trên phố.
Tháng Ba, chạm tay vào khúc giao mùa huyền diệu, có thương mến vốn được cất trong miền ký ức không tên bỗng thức dậy xao xuyến trong ta. Khúc giao mùa cho ta nhận ra, vạn vật luôn đổi thay theo lẽ vô thường. Với riêng tôi, dẫu thời gian trôi, Hà Nội vẫn luôn là nơi để trở về bởi mang đến cảm giác an nhiên, tĩnh tại trong tâm mỗi khi đối mặt với thăng trầm biến cố. Mảnh đất Hà thành giúp ta buông thư tâm hồn bởi những giá trị sâu sắc có bề dày lịch sử cùng dòng chảy văn hóa trường tồn cùng thời gian.