Tháng cô hồn ở ngôi làng sản xuất đồ “cõi âm” lớn nhất Hà Nội Duy Minh 16:26 24/08/2023 Chia sẻ Theo dõi Kinh tế đô thị trên Kinhtedothi - Từ lâu làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã trở thành "thủ phủ" sản xuất vàng mã lớn nhất Hà Nội. Làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chưa đầy 20km, tại đây sản xuất các sản phẩm hàng mã phục vụ các tỉnh, thành trên cả nước từ nhiều đời nay. Quanh năm, làng nghề vàng mã Phúc Am hoạt động và sản xuất liên tục, nhưng cứ đến dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng 7, người dân nơi dây lại càng tất bật với công việc hơn bao giờ hết. Không giống nhiều địa phương làm hàng mã nổi tiếng khác như: Làng Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Văn Hội ( xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng, quần áo và đồ trang sức, làng Phúc Am lại tập trung vào các sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe... chủ yếu phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu... Trước đây, làng Phúc Am chuyên nghề đan rổ, rá. Khi rổ, rá bằng tre đan không còn được ưa chuộng, làng chuyển sang làm hàng mã. Quá trình sản xuất hàng mã phải trải qua rất nhiều công đoạn. Công việc đầu tiên là tạo dáng từ khuôn tre. Nhiều hộ trong làng phải đi mua tre từ các nơi cả tháng trước, sau đó, người thợ mới dán giấy bồi, trang trí. Những năm trước, cách Rằm tháng Bảy âm lịch khoảng 1-2 tháng, cả làng Phúc Am ngày đêm đã tấp nập, hối hả, nhộn nhịp. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhất là khi xảy ra dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, việc kinh doanh những mặt hàng vàng mã "kém nhiệt" hơn. Là một trong những hộ làm nghề vàng mã tại làng Phúc Am, chị Hoa (cơ sở Hoa Báu) cho biết, mỗi sản phẩm trung bình mất 1 giờ để hoàn thiện, các công đoạn làm khung trước đó do hộ khác đảm nhiệm. Nghề làm vàng mã đòi hỏi khéo léo, tỉ mỉ. Tất cả các công đoạn từ vẽ, cắt, dán, làm khung... đều thực hiện hoàn toàn thủ công, chị Hoa cho biết thêm. Một mô hình nộm tướng lĩnh nếu mua số lượng lớn có giá dao động từ khoảng 200.000 – 300.000 đồng/hình. Trong khi mô hình ngựa, voi cao 2m được bán với giá trên 100.000 đồng/con, loại to đẹp nhất giá 500.000 đồng/con. Tuy nhiên, nếu trừ đi các chi phí mua nguyên liệu (và nếu cả thuê nhân công), tiền lãi trên các sản phẩm chỉ còn vài chục nghìn đồng. Ngày nay, nhu cầu dùng vàng mã ở các đô thị lớn như Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng giảm đi đáng kể. Những mô hình vàng mã lớn thường được các đền, phủ, miếu đặt hàng để phục vụ cúng lễ… Hiện tại, bên cạnh gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân đã hạn chế mê tín dị đoan khi đã bớt mua và đốt vàng mã tràn lan.