Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động: Bắt đầu từ hành động cụ thể

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/5, tại Lễ phát động Tháng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động (NLĐ).

Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của NLĐ.

Tăng cường huấn luyện

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung không phủ nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, DN, tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, cũng như chăm lo và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho NLĐ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ. Nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hoá chất, nguyên liệu mới. Bản thân chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng được yêu cầu cũng dẫn đến TNLĐ.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm bảo vệ an toàn cho người lao động. Ảnh: Thủy Trúc

Thế nên, vấn đề đặt ra trong năm đầu tiên nâng tầm từ Tuần lễ sang Tháng ATVSLĐ là dấu hỏi cần tập trung những hành động cụ thể nào để kiểm soát các nguy cơ, rủi ro trong lao động? Đó cũng là lý do vì sao mục đích hướng tới của Tháng ATVSLĐ lại chú trọng: Cải thiện điều kiện làm việc, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng; hạn chế thấp nhất các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc. Với chủ đề: "Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ LĐTB&XH cho biết, với chủ đề của Tháng hành động ATVSLĐ năm nay, nội dung Luật ATVSLĐ và các văn bản dưới luật sẽ được triển khai đến các bộ, ngành, địa phương từ cấp tỉnh xuống huyện, xã.

Cải thiện điều kiện lao động

Để giảm thiểu TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, người đứng đầu ngành LĐTB&XH nhấn mạnh đến việc xem xét công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh bằng những hành động, giải pháp cụ thể trong công việc hàng ngày, hàng ca của mỗi NLĐ, quản lý sản xuất và sử dụng lao động. Vì thế, đến nay, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với một số đoàn thể, tổ chức 20 khóa tập huấn cho các bộ, ngành. “Chúng tôi yêu cầu cấp tỉnh triển khai đến cấp huyện, xã, các DN trên địa bàn. Từ cấp xã sẽ tiếp tục tuyên truyền đến NLĐ thực hiện ATVSLĐ là hết sức khó khăn nhưng chúng ta quyết tâm làm” – ông Thắng cho biết.

Thực tế cho thấy, người sử dụng lao động ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm chăm lo sức khỏe NLĐ. Họ cũng chủ động hơn trong xây dựng, kiện toàn bộ máy, lực lượng làm công tác ATVSLĐ trong DN… Đến nay, đã có trên 7.000 DN vừa và nhỏ áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành đề nghị UBND các quận, huyện, sở, ban, ngành, các DN trên địa bàn TP tích cực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Các đơn vị và DN đẩy mạnh công tác ATVSLĐ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường huấn luyện về ATVSLĐ góp phần làm chuyển biến nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ, người đứng đầu các cơ quan đơn vị thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ. Liên đoàn Lao động TP chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và điều kiện làm việc cho NLĐ đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ. Đặc biệt là đối với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều yếu tố độc hại, công trình xây dựng cao tầng có kết cấu phức tạp, nguy hiểm...

Năm nay, Luật ATVSLĐ ngoài việc triển khai đến khu vực có quan hệ lao động, sẽ hướng sang những nơi không có quan hệ lao động. Đây là khu vực lao động tự do, NLĐ tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Khu vực này cũng chiếm tới 60% NLĐ trong cả nước, bao gồm 34 triệu người.

Ông Hà Tất Thắng 

Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH.