Kinhtedothi - Ngày 2/4, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Tần (trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vừa nhận được thông báo của Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group) về việc chấm dứt hợp đồng và mua lại hàng hóa, gửi đi từ ngày 29/3.
Trong đó, nội dung thông báo có đoạn: “Nếu ông tiếp tục kiện cáo gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của công ty, chúng tôi cũng sẽ khởi kiện ông về hành vi quấy rối DN theo quy định của pháp luật”.
Về nội dung thông báo của Thăng Long Group gửi ông Tần, các luật sư phân tích, nếu người dân gửi đơn yêu cầu công ty, đây là khiếu nại dân sự. Nếu người dân gửi cho cơ quan Nhà nước, là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hoặc gửi cho cơ quan pháp luật, là tố giác tội phạm. Khi đó cơ quan Nhà nước phải giữ bí mật thông tin về người tố cáo, tố giác. Trong cả 3 trường hợp này, đều là hành vi đe dọa người khiếu nại, tố cáo, tố giác.
Với trường hợp ông Nguyễn Mạnh S. (trú tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Thăng Long Group đã gọi điện mời ông lên làm việc. Tuy nhiên, ông S. yêu cầu phải có giấy mời bằng văn bản và có nội dung giải quyết việc ký nợ khống và thanh lý hợp đồng. Đồng thời, có người đại diện pháp luật của công ty và các thành viên trong hệ thống bán hàng đa cấp của công ty tại Bắc Ninh.
Ngày 29/3, Thăng Long Group đã gửi giấy mời ông S. đến văn phòng công ty tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy lúc 10 giờ 30 ngày 1/4 để làm việc về các vấn đề: Thanh lý hợp đồng, đề nghị trả lại hàng hóa, giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đến sáng 1/4, đại diện công ty gọi điện hoãn buổi làm việc. Theo ông S., nội dung làm việc trên giấy mời của Thăng Long Group không đúng với sự việc thực tế. Cụ thể, về “đề nghị trả lại hàng hóa” trong giấy mời hoàn toàn phi lý, bởi ông chưa từng được nhận bất kỳ hàng hóa nào của công ty.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội xác nhận, đơn vị cũng đã tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đối với Thăng Long Group.