70 năm giải phóng Thủ đô

Thăng Long Group từng hai lần bị xử lý vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, hàng loạt nạn nhân đã tố cáo, phản ánh các chiêu lừa đảo trong...

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, hàng loạt nạn nhân đã tố cáo, phản ánh các chiêu lừa đảo trong bán hàng đa cấp (BHĐC) của Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group - trụ sở chính tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Ngày 5/4, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã trao đổi, thông tin với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải, Thăng Long Group được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC số 011/QLCT-GCN lần đầu ngày 26/12/2014, sửa đổi lần thứ 5 ngày 25/11/2015 và được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động BHĐC số 05-TBHĐ/011 ngày 9/1/2015, sửa đổi lần 4 ngày 26/2/2016.
Các phiếu thu, hợp đồng tham gia của các thành viên gia đình ông Nguyễn Văn Tần (quận Hà Đông) với Thăng Long Group và hộp thực phẩm chức năng có giá 1 triệu đồng
Các phiếu thu, hợp đồng tham gia của các thành viên gia đình ông Nguyễn Văn Tần (quận Hà Đông) với Thăng Long Group và hộp thực phẩm chức năng có giá 1 triệu đồng
Từ khi Thăng Long Group được Sở Công Thương xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội, mọi hoạt động của DN thông báo với Sở, đều có văn bản của Sở gửi đến các cơ quan liên quan như Công an TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã để nắm bắt, giám sát, kiểm tra hoạt động BHĐC của DN tại địa bàn theo quy định.

Tháng 3/2015, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra và ban hành Quyết định xử lý vi phạm đối với Thăng Long Group vì hành vi vi phạm “kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa nhưng không ghi nhãn hàng hóa. 

Trong năm 2015, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các DN BHĐC trên địa bàn Hà Nội, trong đó có Thăng Long Group. 

Cuối tháng 7/2015, Sở Công Thương đã có văn bản số 2511/SCT-KTĐN gửi Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị xem xét, xử lý vi phạm của Công ty đối với hành vi “Thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương, nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo quy định của pháp luật”.

Trong năm 2016, Thanh tra Sở đã ban hành kế hoạch thanh tra đối với 10 DN BHĐC trên địa bàn Hà Nội. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với hoạt động BHĐC trên địa bàn; ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động BHĐC theo thẩm quyền và quy định hiện hành của pháp luật, hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của các DN BHĐC, người tham gia BHĐC theo quy định.
 Phiếu lấy hàng của một nạn nhân, dù chưa nhận hàng nhưng Thăng Long Group không cho trả lại. 
Phiếu lấy hàng của một nạn nhân, dù chưa nhận hàng nhưng Thăng Long Group không cho trả lại. 
Khi nhận được phản ánh của cá nhân, tổ chức về dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với hoạt động BHĐC, Sở Công Thương đã kịp thời chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường hoặc các đơn vị có liên quan xác minh, kiểm tra, xứ lý vi phạm (nếu có). Trường hợp đối với các vi phạm có dấu hiệu hình sự, lừa đảo, Sở đã chuyển Công an TP đề nghị xem xét, xác minh, giải quyết theo thẩm quyền.

Trong quá trình quản lý, sau khi Sở Công Thương ban hành văn bản xác nhận thông báo hoạt động BHĐC, văn bản xác nhận thông báo sửa đổi, bổ sung thông báo hoạt động BHĐC, văn bản xác nhận thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC cho DN BHĐC hoạt động trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương đều gửi một bản văn bản xác nhận tới cơ quan có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường để phối hợp giám sát, quản lý đối với DN, người tham gia BHĐC trên địa bàn. 

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền cho người dân nắm bắt các quy định của pháp luật đối với hoạt động BHĐC, gửi nội dung tuyên truyền cho các ngành liên quan, các quận, huyện để tuyên truyền đến người dân trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải cũng lưu ý, người dân không tham gia BHĐC đối với các DN có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm quy định của pháp luật đối với hoạt động BHĐC. Nếu có nghi ngờ, người dân cần thông báo kịp thời cho cơ quan công an để xác minh, điều tra, xử lý đối với các DN BHĐC có dấu hiệu lừa đảo.

Đối với trường hợp DN không thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với hoạt động BHĐC, đề nghị người dân, người tham gia BHĐC gửi văn bản cùng các tài liệu chứng minh đến Sở Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh để xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.