Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng Ngâu, thị trường ô tô đồng loạt giảm giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, cùng với tâm lý không mua xe trong tháng 7 âm lịch (hay còn gọi tháng Ngâu, tháng cô hồn) của người dân, dẫn đến thị trường ô tô ngày càng ảm đạm. Để cải thiện doanh số bán hàng, các hãng xe đều đẩy mạnh chương trình giảm giá, ưu đãi phí trước bạ.

Đồng loạt khuyến mại giảm giá
Đầu tháng 8/2021, hãng xe Honda công bố hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho tất cả phiên bản của CR-V, mức giảm tương đương 80 - 140 triệu đồng; tại nhiều đại lý, khách mua mẫu xe này còn được tặng quà, giảm trực tiếp vào giá mua xe 20 - 30 triệu đồng/xe. Ngoài CR-V, các mẫu xe khác như Civic, HR-V hay City cũng được ưu đãi 10-60 triệu đồng/xe tùy từng phiên bản.
Hãng xe Toyota giảm giá bán trong tháng 7 âm lịch. Ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021

Tương tự Mitsubishi Việt Nam cũng tiếp tục hỗ trợ 50% trước bạ cho nhiều dòng xe cùng những quà tặng giá trị cho khách mua xe trong tháng 8/2021. Cụ thể, khách hàng mua các dòng xe Pajero Sport, Xpander, Xpander Cross, Attrage và Outlander trong tháng 8/2021 sẽ được ưu đãi hỗ trợ với giá trị tương đương 50% lệ phí trước bạ.
Không chịu thua kém, hãng xe Toyota cũng áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ tương ứng với 30 triệu đồng cho khách mua và thanh toán đủ cho Vios phiên bản E, G trong tháng 8.
Tương tự hãng xe Mazda cũng áp dụng chương trình giảm giá từ 32 đến 120 triệu đồng và tùy thuộc từng mẫu xe. Hãng Kia cũng giảm giá mẫu xe Cerato với mức 65 triệu đồng/xe, Sorento 100 triệu đồng/xe, Sedona 48 triệu đồng/xe. Thực tế cho thấy, ngay cả các mẫu xe bình dân như Hyundai Grand i10 được các đại lý giảm 25 - 30 triệu đồng/xe, hiện giá bán chỉ còn 300 - 375 triệu đồng/xe.
Các đại lý xe cho hay, mặc dù mạnh tay giảm giá nhưng dịch Covid-19 đang bùng phát khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, nay tháng "cô hồn" khiến đại lý xe khó càng thêm khó, không cải thiện được sức mua. Ngoài ra, một loạt mẫu xe mới ra mắt gần đây cũng khiến các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiêu thụ xe tồn kho với giá lỗ. 
Xe nội gặp khó, sẽ nghiên cứu giảm thuế để hỗ trợ?
Để tháo gỡ khó khăn, các hãng xe lắp ráp trong nước đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị chính sách ưu đãi phát triển dòng xe ô tô chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường (các dòng xe chiến lược Việt Nam ưu tiên phát triển). Trong đó nhấn mạnh việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội địa.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, từ năm 2018 tới nay các dòng xe ô tô chiến lược ưu tiên phát triển của Việt Nam (dưới 9 chỗ từ 2.0 trở xuống) đã được hưởng ưu đãi giảm từ 5 - 10% thuế tiêu thụ đặc biệt so với quy định. Với xe ô tô sử dụng kết hợp động cơ xăng dầu và điện, năng lượng sinh học được giảm thuế từ 30 - 50% so với xe cùng loại chỉ dùng xăng dầu; Linh kiện sản xuất trong nước đã được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt...
Đại diện Bộ Tài Chính thông tin, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ các chính sách, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, nâng cao giá trị gia tăng với những dòng ô tô chiến lược. Trong đó có giải pháp về thuế tiêu thụ đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tác động của những biện pháp đề xuất, so sánh với kinh nghiệm các nước, phù hợp với cam kết quốc tế, đảm bảo tính khả thi của chính sách, biện pháp được đề xuất.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng, nếu nhà nước giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm mua linh kiện sản xuất trong nước, thay thế hàng nhập khẩu. Qua đó, tạo cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, hạ giá thành sản phẩm, người tiêu dùng có cơ hội mua ô tô với giá rẻ hơn hiện nay.