Monday, 14:36 20/08/2018
Tháng Tám về Vũng Chùa tri ân Đại tướng
Kinhtedothi - Trên đường thiên lý Bắc - Nam có một địa danh mà bất kỳ ai đi ngang qua đều có ý nguyện ghé lại, đó là Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giờ đây, nơi này đã trở thành điểm hành hương tâm linh của người dân khắp mọi miền trong cả nước.
Mảnh đất linh thiêng đón người con kiệt xuất
Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang (ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 6km về hướng Đông Nam, cách quốc lộ 1A khoảng 3km là Vũng Chùa - Đảo Yến. Tên gọi Vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như “vũng”, từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn lại nền móng. Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng lại kín gió. Nơi đây thế núi hùng vĩ, thế đất dáng tựa rồng cuộn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển, với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, biển trời hiền hòa, người dân chất phác, thân thiện, can trường.Có địa thế cong hình cánh quạt, Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (hay còn gọi là Đảo Yến). Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đảo Yến rộng khoảng 10ha cách bờ khoảng 1km, vẻ đẹp hoang sơ, như bức bình phong nổi lên giữa biển, giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn. Vùng biển Hòn La nổi tiếng với những sản vật dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài “cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư, là những sản vật ngày xưa được mang đi cung tiến triều đình. Vùng đất này được người dân nơi đây coi là linh thiêng bởi tương truyền năm xưa, vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tế tạ ơn đất trời. Từ trước năm 2013, Vũng Chùa - Đảo Yến vẫn còn là một địa danh khá xa lạ, ít người đến, cho đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn nơi này làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Vũng Chùa trở thành một trong những điểm đến mơ ước của nhiều người. Tháng 10/2013, ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê mãi mãi, như câu nói dung dị của Người lúc sinh thời “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Với nhãn quan chính trị, quân sự lỗi lạc của một vị tướng tài ba, một đời xông pha trận mạc nhưng cũng rất nhân văn, đậm cốt cách anh Văn, Đại tướng quyết định chọn Mũi Rồng, Vũng Chùa - Đảo Yến, đất hội đủ các yếu tố: bối sơn (lưng dựa vào núi), diệp thủy (trước mặt là nước), hướng dương (nhìn ra phía mặt trời, hướng ra biển lớn).Mũi Rồng, Vũng Chùa, đất “ngọa hổ tàng long”, “voi chầu hổ phục”, đầu dựa vào dãy Hoành Sơn, lưng chập chùng các dãy núi đá kéo dài. Từ Mũi Rồng nhìn ra, Vũng Chùa rộng mở dưới chân, xa hơn là biển Đông bao la hòa vào Thái Bình Dương, thế tựa vào ba hòn đảo chân kiềng vững chãi: Hòn Yến, Hòn Gió, Hòn La. Đất linh thiêng trước biển mở rộng vòng tay đón lấy người con kiệt xuất của quê hương, đất nước trở về rất đổi bình dị, thân thương.Tháng 10/2013, sau Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình có thêm một lực lượng “đặc biệt”: Đội công tác bảo vệ phần mộ Đại tướng.
Phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến |
Tính đến hết tháng 7/2018, đã có trên 442.756 đoàn khách trong nước và quốc tế với hơn 5.791.996 lượt người đến viếng mộ Đại tướng |
Tính đến hết tháng 7/2018, đã có trên 442.756 đoàn khách trong nước và quốc tế với hơn 5.791.996 lượt người đến viếng, dâng hương phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dự kiến trong dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 107 năm ngày sinh (25/8/1911 - 25/8/2018) và 5 năm ngày mất (4/10/2013 - 4/10/2018) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong cả nước đến viếng, dâng hương tri ân Đại tướng |