Tháng Tư hoài niệm...
Kinhtedothi - Những ngày tháng Tư vừa đến mang theo chút nắng mùa mới, chút mưa mùa cũ hình như cũng khiến bản tính ưa hoài niệm của người Hà Nội thức dậy.
Trong góc lòng mênh mang ký ức, người tóc pha sương lại thấy những tháng ngày hoa niên lênh đênh trong nỗi mong đợi khôn nguôi và niềm vui chiến thắng khôn tả khi những hình ảnh ngày cũ được nhắc nhớ từng ngày…
1. Lại là một cuộc trà đạo mạn đàm chuyện Hà Nội dưới gốc cây già trước cổng Hoàng thành Thăng Long trong tiết trời tháng Tư có phần đỏng đảnh. Mưa không đủ ướt áo, gió không đủ lạnh vai và nắng cũng không đủ hong khô hoài niệm, nhất là khi thời hoa niên đầy ước mơ cứ được nhắc nhớ qua những hình ảnh triển lãm, những bộ phim và những bài ca đi cùng năm tháng. Ông bạn giáo chức già của tôi nhấp ngụm trà Thái Nguyên ngọt lịm nơi đầu lưỡi mà trầm tư: “Ngày Giải phóng năm đó chúng ta mới đôi mươi, thoát cái đã nửa thế kỷ qua rồi! Thật mừng là người đương thời vẫn giữ ngày hôm ấy trong trái tim, lục tìm quá khứ để dựng lên những rung động ngày mới. Lịch sử và cuộc chiến là mảnh đất màu mỡ và là đề tài khát khao khám phá của người làm nghệ thuật, quả không sai!”.
Ông ấy nói đúng, những ngày tháng Tư này bao nhiêu câu chuyện ngày cũ cứ theo nhau trở về trong các dự án phim mới vừa ra mắt, các triển lãm ảnh dự kiến trình làng, các chương trình nghệ thuật mang âm hưởng Ngày Giải phóng vinh quang và những buổi gặp gỡ nhân chứng lịch sử không sao giấu được cảm xúc… Thì đấy, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời và bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang là một “hiện tượng” nơi rạp chiếu Hà thành. Bộ phim lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật sau năm 1967, kể về cuộc sống và chiến đấu của đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông, Củ Chi. Là một trong những tiểu đội bám trụ địa đạo, đội của Bảy Theo được giao nhiệm vụ hỗ trợ Hai Thưng bảo vệ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến.
Thì đấy, triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” hẹn người mộ điệu ngày 11/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để nói lời sắt đá: nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, những dấu ấn của cuộc kháng chiến vĩ đại không chỉ được khắc ghi trong những trang sử hào hùng, mà còn sống mãi trong những tác phẩm nghệ thuật lay động lòng người. Người ta tin rằng, 151 bức vẽ sẽ như thước phim quay chậm, đưa những người lính đã từng vào sinh ra tử trở về với những năm tháng hào hùng, sống lại ký ức không thể nào quên qua từng nét vẽ kiên cường, từng hình khối vững chãi - biểu tượng cho tinh thần bất khuất của dân tộc.
Du khách tham quan tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Thì đấy, sáng 9/4 vừa rồi, cuộc tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” đầy trân trọng và lắng đọng giữa không gian Hà Nội. Ở đó, bên cạnh những câu chuyện ký ức, công chúng còn được thưởng ngoạn triển lãm giới thiệu những tài liệu, hiện vật quý phản ánh sự kiên cường, bền bỉ và niềm tin bất diệt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giai đoạn 1954 - 1975, cũng như tôn vinh những chiến công vĩ đại đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc…
2. Ông bạn già của tôi nói đúng, người đương thời vẫn giữ ngày hào hùng 50 năm trước trong trái tim, lục tìm quá khứ để dựng lên những rung động ngày mới. Ngay cả giới trẻ hôm nay cũng trân trọng và hồ hởi đón nhận những hoài niệm quý giá từ ký ức. Không thế thì sao bộ phim “Địa đạo: Mặt trời và bóng tối” vượt mốc 73,3 tỷ đồng doanh thu, trở thành bộ phim nổi bật nhất ngoài rạp chiếu tuần qua. Người ta đồ rằng, với sức hút như hiện tại, với “niềm yêu” quá khứ mà người đương thời giữ trong tim, không khó để bộ phim đạt mốc trăm tỷ đồng doanh thu bán vé.
Triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” lại càng rõ nét những khắc ghi và thương yêu của người đương thời cho quá khứ hào hùng. Không phải ai cũng biết, giữa nơi chiến trường khốc liệt năm xưa, chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã dùng cả thanh xuân để vẽ nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Bằng chì than, cọ vẽ, trên mảnh giấy thô ráp hay những chất liệu tìm được nơi chiến trường, ông đã khắc họa khí phách kiên cường, sự hy sinh anh dũng của đồng đội qua hai cuộc kháng chiến và cả những năm tháng hòa bình dựng xây đất nước. Những ký họa ấy trở thành tư liệu quý giá, là “điểm tựa” ký ức ngọt ngào để ông sáng tác những bức sơn dầu đồ sộ, tái hiện những trận đánh đi vào lịch sử như trận cầu Chữ Y, trận giải phóng Lộc Ninh... hiện diện trước người Hà thành trong triển lãm.
Lại còn 2 cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” và “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” mà NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa ấn hành cũng đậm đà niềm trân quý của người hôm nay hướng về sự kiện trọng đại của dân tộc 50 năm trước. Cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” đích xác một công trình nghiên cứu công phu, cung cấp góc nhìn từ những tài liệu gốc, được lưu trữ qua nhiều thập kỷ. Còn “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” là hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó, hé lộ những quyết định mang tính lịch sử đưa ra từ nơi được ví như “bộ não” chỉ huy trận đánh cuối cùng. Không chỉ là câu chuyện của một chiến dịch quân sự vĩ đại, cuốn sách còn mang đến chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh quyết đoán và trái tim của một người chỉ huy luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết…
3. Trà đậm hương và người thì nặng lòng với hoài niệm không bao giờ phôi phai trong ký ức. “Ngày ấy là sinh viên Văn khoa, nhìn thầy giáo mình và anh chị khóa trên khoác balô vào Nam mà mình ước ao đến lượt. Thư từ chiến trường gửi về chuyền tay nhau đọc, ngồi trên giảng đường ngẩn ngơ nghe thầy kể chuyện miền Nam ruột thịt… Hà Nội mình vẫn thế, người Hà thành cũng vậy, luôn mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”; hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên, cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng” - ông bạn tôi chậm rãi mà rành rọt từng câu chữ.
Thì đúng! 50 năm trước là vậy, đến bây giờ người Hà Nội vẫn sẻ chia và hướng về những gian khó để kết nối muôn đời mảnh đất hình chữ S liền một dải như vậy. Những câu chuyện bằng tranh, bằng ảnh, bằng ký ức hay bằng những thứ ngôn ngữ của nghệ thuật hiện đại trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam luôn ghi dấu tấm lòng người Hà Nội, ghi dấu ký ức không bao giờ phôi phai và những ước nguyện tiếp nối truyền thống hào hùng của bao người đi trước. Đó là những hoài niệm và yêu thương bắt nguồn từ mạch đập nơi trái tim Hà Nội.

TP Hồ Chí Minh: nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Hà Nội tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2025); 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025), các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện trên địa bàn TP.

Đồng diễn dân vũ bài hát "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" dịp 50 năm Giải phóng miền Nam
Kinhtedothi - Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp hội phụ nữ Thủ đô sẽ tổ chức đồng diễn dân vũ trên nền liên khúc đất nước mùa xuân gồm 2 bài: "Đất nước trọn niềm vui" và "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh".