Thành công của doanh nghiệp không thể thiếu sự đồng hành của báo chí

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo chí, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã và đang có những hành động thiết thực tạo nên cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhau ngày càng hiệu quả vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Đó là những chia sẻ, nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức sáng 31/5.

Lãnh đạo TP Hà Nội trao đổi với các chuyên gia, doanh nhân tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hải
Lãnh đạo TP Hà Nội trao đổi với các chuyên gia, doanh nhân tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hải

Lắng đọng “chất” Hà Nội trên báo Kinh tế & Đô thị

TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định: Tiếng nói của báo chí – truyền thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi báo chí – truyền thông tích hợp, sở hữu vốn xã hội rất lớn từ các mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, nếu báo chí lạm dụng vốn xã hội này vào mục đích không lành mạnh thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích, sự phát triển của doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hải
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hải

Vì vậy, để tận dụng tốt vốn xã hội này vào công việc, phục vụ công chúng, doanh nghiệp và Nhà nước, bản thân các phóng viên, nhà báo cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu công việc, viết tin, bài đảm bảo tính khách quan, chân thực, phản ánh đúng bản chất vấn đề; đặc biệt là về từ ngữ, thuật ngữ chuyên môn thuộc lĩnh vực, ngành mình theo dõi.

Riêng với báo Kinh tế & Đô thị, tôi cảm nhận được “chất” Hà Nội trong đó. Trước hết là sự tinh tế, lắng đọng của những chính sách lớn đằng sau những câu chuyện rất đời thường. Để phát huy thế mạnh này, báo Kinh tế & Đô thị cần gắn vốn xã hội với khát vọng đổi mới, thể hiện tính tiên phong của cơ quan báo chí  trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Trong đó, văn hóa chính là gốc rễ của sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp nói riêng và Thủ đô nói chung. Đặc biệt, kinh tế văn hóa là kinh tế tạo ra giá trị biểu tượng nên báo Kinh tế & Đô thị cần tiên phong trong quảng bá, lan tỏa văn hóa Hà Nội để xứng tầm Thủ đô đi đầu cả nước về xây dựng nền tảng văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa.

Góp tiếng nói xây dựng, phản biện chính sách  

Nhìn nhận về vai trò của báo chí với chính sách của Nhà nước, TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: báo chí đã thực hiện tốt chức năng giám sát và trở thành một kênh hiệu quả để Nhà nước giải tỏa nỗi bức xúc, đồng thời gia tăng sự ủng hộ của người dân đối với chính sách của mình. Nếu không giải quyết được điểm nóng để củng cố niềm tin của công chúng, thì rất nhiều chính sách sẽ bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hải
TS Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, nhìn ở góc nhìn rộng hơn, báo chí mới đang làm tốt vai trò phản ánh thực trạng xã hội, mà chưa đầu tư vào việc nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi kết hợp kiến thức chuyên môn, quản lý Nhà nước, tâm lý xã hội, thị trường…

Về phía các bộ ngành, địa phương, cơ quan nào thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, cùng với sự vào cuộc phản biện của báo chí, chính sách đó sẽ được đón nhận và thực thi tốt. Rất nhiều cơ quan hoạch định chính sách chưa tận dụng hết thế mạnh của các cơ quan truyền thông, nên đã bỏ phí khả năng huy động các nguồn lực nhàn rỗi cho phát triển.

“Báo chí hiện nay chịu rất nhiều ràng buộc về việc phải là tiếng nói đại diện của một ngành, lĩnh vực, cùng với sức ép về kinh tế báo chí, nên trong nhiều trường hợp khó có thể cất lên tiếng nói trái chiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, đặc biệt là giữa báo chí với mạng xã hội hay các kênh thông tin khác, chỉ có đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, đặt lợi ích tổng thể của xã hội lên trên lợi ích của ngành hay lĩnh vực mà mình đại diện, báo chí mới thực sự tạo ra sức cạnh tranh khác biệt và vượt trội.” - TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp

Khẳng định thành công của doanh nghiệp không thể thiếu sự đồng hành của báo chí, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng: nhờ có báo chí, vị trí của doanh nghiệp đã được cải thiện trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu của họ ngày càng nhiều người biết đến.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính. Ảnh: Thanh Hải
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính. Ảnh: Thanh Hải

Trong tiến trình hội nhập và đổi mới đất nước, hình ảnh của doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn và đại diện cho hình ảnh đó chính là các sản phẩm, thương hiệu tạo được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được coi là thế mạnh của báo chí, bất cứ doanh nghiệp nào biết tận dụng lợi thế này sẽ đem lại những thành công to lớn.

Nhiều doanh nghiệp thành công trên thị trường đã biết tận dụng sức mạnh báo chí, trong tổng thể chiến lược truyền thông thương hiệu dài hạn của mình. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp, báo chí còn giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, định hướng cho xã hội và doanh nghiệp vì một cộng đồng tốt hơn, phát triển hơn. Báo chí, truyền thông với sức mạnh của mình, ở ý nghĩa đó còn mang cả trọng trách góp phần xây dựng một thương hiệu xã hội.