Thành công của SEA Games 31: Kết quả của sự đồng lòng

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) kết thúc thành công. Nước chủ nhà Việt Nam để lại ấn tượng lớn đới với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều Đại hội quốc tế để đánh giá những mặt làm được và những hạn chế cần rút kinh nghiệm của kỳ SEA Games lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều Đại hội quốc tế. Ảnh: Bùi Lượng.
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều Đại hội quốc tế. Ảnh: Bùi Lượng.

Việt Nam để lại hình ảnh ấn tượng

SEA Games 31 đã khép lại. Với vai trò là trưởng đoàn của nhiều kỳ đại hội từng được tổ chức tại Việt Nam và các nước, ông có đánh giá tổng quát về kỳ Đại hội với nhiều dấu ấn đặc biệt này?

- Đầu tiên, tôi phải chúc mừng những nỗ lực của Ban Tổ chức để cố gắng hoàn thành một kỳ SEA Games đặc biệt. Năm 2021, Việt Nam phải hoãn tổ chức SEA Games vì dịch bệnh và gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi tổ chức vào năm 2022, chúng ta đã thực hiện được một kỳ Đại hội với nhiều ấn tượng với bạn bè khu vực.

Ngay sau khi thi đấu xong, tôi tổng kết chúng ta có 20 môn thể thao trong chương trình Olympic khi tổ chức và giành được 124 HCV, chiếm 63%. Trong khi đó, các môn võ thuật là có 12 và được xem là “mỏ vàng”, giành được 85 HCV, chiếm tới 44%. Ngoài ra các môn thể thao khác, các môn xã hội hoácó sự chuyển đổi tích cực. So với thời điểm sau SEA Games 2015 ở Singapore, tỉ lệ các môn thể thao Olympic giành được HCV đó là 81/82. Dù lần này, chúng ta thu nhiều thắng lợi nhưng mà chưa bằng tỉ lệ đó. Tôi phải nhắc lại đó là cột mốc đánh dấu một bước chuyển mình, chuyển hướng của thể thao Việt Nam.

Việt Nam để lại hình ảnh ấn tượng tốt đẹp sau SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.
Việt Nam để lại hình ảnh ấn tượng tốt đẹp sau SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai SEA Games. Sau 19 năm, công tác tổ chức để lại ấn tượng gì với ông?

-SEA Games 31 được tổ chức tốt. Tất cả các nơi đều nhận được sự quan tâm của từ T.Ư tới các chính quyền địa phương. Các địa điểm tổ chức đều tốt ví dụ như Nhà thi đấu Hải Dương, Nhà thi đấu Ninh Bình, Nhà thi đấu Quảng Ninh rồi các sân vận động Việt Trì, sân vận động Thiên Trường… các khu vực thi đấu thuộc địa bàn TP Hà Nội đều được tổ chức chặt chẽ, vệ sinh môi trường tốt. Đặc biệt nhất là sự quan tâm của chính quyền, không phải chỉ là Sở VH&TT Hà Nội, mà chính quyền các quận/huyện, Nhân dân đều tham gia rất tích cực và nhiệt tình; điều đó cho thấy là thể thao bây giờ nhận được sự ủng hộ rất cao.

Bên cạnh đó, công tác phục vụ như khách sạn, các cơ sở du lịch làm rất tốt. Hiện nay điều kiện kinh tế đất nước phát triển so với lần đầu chúng ta tổ chức năm 2003, Việt Nam có nhiều khách sạn tốt, tinh thần thái độ phục vụ thay đổi hơn ngày xưa rất nhiều, để lại ấn tượng tốt cho khách, bạn bè quốc tế. Lực lượng an ninh, bảo vệ, giao thông đảm bảo, thái độ hết sức nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trực chặt chẽ và nghiêm chỉnh. Tất cả những điều chúng ta làm được cho thấy sự đồng lòng thực hiện tốt của các cấp, đặc biệt là các cơ sở thi đấu ở Hà Nội mà tôi tham dự rất đáng hoan nghênh. Chỉ có một nhược điểm là phục vụ xe đưa đón VĐV, xe đưa đón lãnh đạo, các quan chức khi việc tổng điều phối còn chậm trễ gây trở ngại cho một số địa điểm và trong quá trình tổ chức. Cái này thì không biết nguyên nhân là do đâu, nhưng rõ ràng nó là trở ngại gây những điều không hài lòng và bức xúc cho một số quan chức và các đoàn VĐV các nước bạn. Thông thường, mỗi một đội đi thi đấu thì đều có một xe và có dán biển, chờ ở chỗ địa điểm thi đấu, nhưng mà có khi xe này vừa phải phục vụ đội này, vừa phải phục vụ đội khác, cứ trống là điều đi do đó đến lúc đội đấy cần quay về thì lại không có xe. Cái đó là cái mà người ta kêu ca nhất trong kỳ Đại hội vừa rồi.

Việt Nam được bạn bè đánh giá cao khi khán giả đến cổ vũ đầy ắp tại địa điểm thi đấu. Ông đánh giá sao về điểm nhấn này?

 

Chúng ta phải công nhận khán giả Việt Nam rất nhiệt tình, công bằng, vô tư, không phải chỉ cổ vũ cho VĐV Việt Nam mà còn cổ vũ cho các VĐV nước ngoài. Các nhà thi đấu đều đông khán giả, rất nồng ấm. Đó là một trong những dấu ấn thành công của SEA Games 31.

Truyền thông trở thành sức mạnh của SEA Games

Truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng ở mỗi kỳ Đại hội, ông đánh giá gì về công tác truyền thông tại SEA Games 31?

-Về công tác truyền thông, truyền hình và báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh. Tất cả anh em phóng viên,biên tập viên, quay phim, đạo diễn… rất nỗ lực để chuyển tải cho toàn thể Nhân dân và phục vụ cả nước ngoài biết đến những trận đấu ở Việt Nam. Thời lượng trên truyền hình rất nhiều, đưa tin đầy đủ các trận đấu, thông tin kịp thời. Trung tâm báo chí cũng hoành tráng, phục vụ tốt. Công tác truyền thông của báo chí là hầu hết các báo đều có nhiều bình luận viên, phóng viên, viết bài kịp thời, phản ánh trung thực, một cái thái độ rất là khách quan. Tác dụng của tuyên truyền đã trở thành sức mạnh, sức mạnh của cả dân tộc. Quan trọng nữa là làm cho Nhân dân ta hiểu thể thao hơn, yêu mến thể thao hơn và đương nhiên như thế sẽ ủng hộ thể thao hơn.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.
Truyền thông đóng vai trò quan trọng tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Vấn đề trọng tài luôn được quan tâm, Việt Nam quyết tâm tổ chức kỳ SEA Games xanh – sạch, liệu đã làm được theo đúng kế hoạch đề ra?

-Năm nay công tác trọng tài tốt và không có gì đáng phàn nàn, nhất là các môn bóng và môn võ thuật đối kháng. Có một vài cuộc tranh cãi nhưng cái đó nó không phải là mất fair -play mà là câu chuyện “người thua kẻ thắng”,  rất bình thường. Tất cả cái đó tạo nên ấn tượng tốt của kỳ SEA Games. Nhưtôi đã nói có lẽ hiếm nước nào ở Đông Nam Á tổ chức mà được tất cả chính quyền từ T.Ư đến địa phương đồng lòng gắn bó, ủng hộ. Việt Nam có một sự ảnh hưởng lớn tất cả các đoàn khi nhân dân Việt Nam ủng hộ thể thao  và đó là vẻ đẹp của tinh thần thể thao. 

Nhìn ra biển lớn hơn để soi mình

Về chuyên môn Việt Nam giành 205 HCV, bỏ xa đoàn thứ 2 là Thái Lan. Ông nhận định như thế nào?

-Nói về thành tích 205 HCV, Việt Nam đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới. Chúng ta vượt qua Indonesia ở Jakarta năm 1997 khi họ giành được 194 HCV. Ở Kuala Lumpur năm 2001, Malaysia cũng đứng đầu dành được 111 HCV; còn ở Philippines 2005 cũng có được 147 HCV. Điều này chứng tỏ, nước chủ nhà luôn luôn muốn vươn lên ở vị trí cao nhất, lần này Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu ở vị trí xứng đáng. Tuy trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nhưng lực lượng VĐV của chúng ta vẫn duy trì về mặt chuyên môn. Nhìn vào tổng thể, đó là:  “thiên thời địa lợi nhân hòa”…

Thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games thành công trên sân nhà. Ảnh: Ngọc Tú.
Thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games thành công trên sân nhà. Ảnh: Ngọc Tú.

Hơn 20 năm qua chúng ta được huấn luyện có hệ thống, cứ 2 năm một lần SEA Games được tổ chức, có kỳ Việt Nam đạt tới hơn 90 đến 100 HCV, mọi người đều thấy là việc giành được huy chương ở Đông Nam Á rất dễ, lý do bởi vì đối thủ ở trình độ thấp hơn. Chúng ta tổ chức 40 môn với hơn 500 nội dung, trong đó chú trọng các môn Olympic, lực lượng VĐV tham gia đông, chuẩn bị kỹ lưỡng khi là chủ nhà, trong khi các nước không có lực lượng mạnh nhất đó là yếu tố để giúp Việt Nam vượt trội hơn hẳn.

Chúng ta nói rất nhiều về môn thi đấu trong chương trình Olympic, ông có thể phân tích rõ hơn?

-Tôi theo dõi báo chí, đa phần viết: Các VĐV môn Olympic, rồi các môn Olympic của các VĐV Olympic. Thực ra, khi tôi trao đổi gần như số đông chưa nắm được điều này. Nói chính xác phải là các môn thi đấu trong chương trình Olympic. Theo quy định của Hiến chương Olympic, các môn thi đấu mùa hè dành cho nam phải có 75 nước trên 5 châu lục tổ chức Giải vô địch Quốc gia và tham gia giải vô địch thế giới mới được tổ chức vào kỳ Olympic. Đối với nữ là 45 nước trên 4 châu lục. Như vậy, chương trình thi đấu của Olympic có 28 môn, gần đây đã có thay đổi về nội dung, còn quy định về thể thao Olympic vẫn rất khắt khe. Chúng ta nói rất nhiều về thể thao Olympic và phương hướng nhưng chưa hiểu cái gốc của những môn thể thao ấy là môn thể thao nào.

Thực tế, tại đấu trường lớn hơn SEA Games, Việt Nam đều thua hụt so với các nước mạnh khu vực Đông Nam Á. Ông có chung nhận định này?

-Trước mỗi Đại hội, các bộ môn họ đều phải suy tính, nhưng trong 205 HCV có được giúp chúng ta phải nhìn nhận một các thực tế. Sau đây những HCV của nội dung nào vươn lên tầm châu Á và thế giới, đặc biệt là Olympic?. Tôi xin phép được nhấn mạnh, “không ngủ quên” trên chiến thắng khi có số lượng huy chương lớn, mà cần phải biết rằng trình độ thể thao của nước ta rất thấp so với châu lục, cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể thi đấu và giành HCV ASIAD. Trong khi các nước trong khu vựckhông có được số lượng HCV nhiều như chúng ta nhưng tại đấu trường lớn họ lại vượt trội. Tôi cho rằng, đây một bài học cần phải nghiên cứu, vấn đề quan trọng với các nhà thể thao.

Khán giả Việt để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.
Khán giả Việt để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo ông, điều thể thao Việt Nam cần rút kinh nghiệm sau SEA Games 31 là gì?

-Điều duy nhất của thành tích thể thao cần phải nhìn thấy đó là sự ổn định ở khu vực, đứng đầu khu vực nhưng mà thành tích thì lên một trình độ khác thì đó là một bài toán còn cần phải nghiên cứu trong nhiều năm tới. Muốn như thế thì phải đầu tư cho VĐV trẻ có trình độ cao, giúp các VĐV có sự phát triển hơn. Tức là khi chúng ta muốn tiến lên một đấu trường lớn hơn, là châu lục và Olympic thì cần phải tập luyện, phải đào tạo VĐV trọng điểm ở môn thi đấu trong chương trình Olympic.

Những thành tích chưa đạt được trình độ cao chúng ta phải nói để biết, nếu không là sau đây mình tham dự châu lục không đạt kết quả tốt dẫn đến những thắc mắc tại sao ở khu vực mình thì nó nhiều thế mà lên đến châu lục thì lại thấp. Điều này rất dễ hiểu, thấp là vì trình độ thấp chưa phát triển. Tôi xin nhắc lại, thể thao Việt Nam phải hướng đến các giải đấu cao hơn tầm cỡ châu lục như ASIAD và Olympic.

Để lựa chọn ra dấu ấn nhất tại SEA Games 31, ông sẽ lựa chọn hình ảnh nào?

-Không quá khó để tôi lựa chọn một hình ảnh ý nghĩa, thiêng liêng và đầy cảm xúc là những lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại trên khán đài. Đó là cả một cái màu đỏ của sân Cẩm Phả, Việt Trì… hay các nhà thi đấu. Hình ảnh đó ấn tượng  đối với thế giới và khu vực, cùng với đó là sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đấy ắp các khán đài.

Xin cảm ơn ông!