Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành công nhờ bảo vệ môi trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dệt may là lĩnh vực vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp. Quá trình hội nhập thế giới và mở cửa nền kinh tế đã càng tạo điều kiện cho các sản phẩm dệt may phải cạnh tranh quyết liệt để tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Chính vì thế, sự phát triển và lớn mạnh  của doanh nghiệp dệt may lớn nhất châu Âu mà Klaus Steilmann (người Đức) làm chủ thực sự khiến nhiều đối thủ kinh ngạc và khâm phục.

Doanh nghiệp của Klaus Steilmann với trên 20.000 công nhân ở nhiều nhà máy khác nhau. Nếu so với năm 1960, sau 40 năm (năm 2010), doanh thu của doanh nghiệp này đã gấp đúng 100 lần: 1.500 triệu DM, tương đương gần 1 tỉ USD. Một trong những điểm đặc biệt để Klaus Steilmann thành công là ông và doanh nghiệp của mình rất quan tâm đến vấn đề gìn giữ và bảo vệ môi trường. Không chỉ hào phóng trong việc tài trợ cho các đề tài nghiên cứu giảng dạy công nghệ mới theo hướng tiếp cận tự nhiên và thân thiện với môi trường mà bản thân ông đã được trao tặng giải thưởng môi trường năm 1999. Klaus Steilmann đã sử dụng số tiền này để lập quĩ đào tạo giúp lớp trẻ tiếp cận, nhìn nhận tầm quan trọng của việc phải hài hoà các yếu tố kinh tế, xã hội và sinh thái. Quan điểm của ông về việc loại bỏ các phẩm màu độc hại trong vải đã được chính thức đưa vào tiêu chuẩn chung của EU về sản phẩm dệt may "sạch". Không phải ngẫu nhiên mà Steilmann khi giới thiệu một sản phẩm may mặc chất lượng cao của mình đã giới thiệu cả quy trình sản xuất ra nó. Ông cho rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ nằm trong một sản phẩm hoàn thiện mà còn bao hàm toàn bộ cả quy trình sản xuất ra sản phẩm đó.

Cùng với việc phát triển thân thiện với môi trường, Steilmann cũng nhanh chóng chuyển đổi doanh nghiệp của mình từ một công ty thiên về sản xuất trở thành một đối tác theo hướng tiếp cận các thị trường cung cấp và dịch vụ. Hiện doanh nghiệp của ông là nhà cung cấp chính cho những bạn hàng lớn như Metro, Karstadt Quelle, Mark & Spencer và C&A…

Dệt may đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và năm 2012 mục tiêu doanh thu xuất khẩu là hơn 15 tỷ USD. Những bài học từ doanh nghiệp dệt may Klaus Steilmann rất có giá trị khi xuất khẩu các sản phẩm dệt may vào châu Âu, một thị trường lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.