Thành công nhờ đồng cảm với dân

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm nở, tận tình, đó là những nhận xét của người dân về ông Nguyễn Xuân Đông (công chức Văn phòng -Thống kê), công tác tại bộ phận một cửa (BPMC) phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Bản thân ông, học tập và làm theo Bác, cũng luôn ý thức trách nhiệm của mình phải thực sự là “công bộc của dân” như lời dạy của Người.

 Ông Nguyễn Xuân Đông - công chức Văn phòng -Thống kê, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Tạo sự thân thiện, gần gũi với Nhân dân
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, tại phường Minh Khai, việc học và làm theo Bác được thể hiện thông qua những việc làm cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ, công chức. Từ đó, có thêm những sáng kiến được áp dụng đưa vào thực tế nhằm phục vụ Nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn.

8 năm qua, với nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận BPMC, thường xuyên tiếp xúc với người dân, công việc của ông Nguyễn Xuân Đông chẳng khác gì “làm dâu trăm họ” nhưng do hiểu dân nên ông luôn mang đến sự hài lòng cho người dân. “Tôi rất hài lòng phong cách hướng dẫn nhiệt tình của anh Đông”; “Cán bộ Đông luôn mỉm cười, nhẹ nhàng, niềm nở, tận tình, chu đáo, lễ phép với công dân…”; “Cán bộ rất trách nhiệm, thấu hiểu, phục vụ Nhân dân tận tình…”; “Mong phường sẽ có nhiều Nguyễn Xuân Đông hơn để Nhân dân ngày càng tin yêu chính quyền, thực sự là của dân, do dân và vì dân…”. Đó là một vài ý kiến trong các ý kiến đóng góp tại cuốn sổ “góp ý” tại BPMC phường Minh Khai dành cho ông Đông.

Dù mỗi ngày tiếp nhận 40 - 50 hồ sơ, chủ yếu là hồ sơ chứng thực, trong khi yêu cầu của người dân ngày càng cao, nhưng ông Đông luôn tâm niệm không để người dân phàn nàn về thái độ phục vụ và kết quả làm việc của cán bộ. Không từ chối bất cứ người dân nào đến giao dịch vì lý do hết giờ và không để bất kỳ người dân nào thất vọng khi ra về.

“Khi giải quyết hồ sơ, tôi luôn nhẹ nhàng, chú ý lắng nghe và cố gắng giải quyết công việc thật tốt. Nhiều trường hợp có những bác 70, 80 tuổi tới làm hồ sơ, tôi rời vị trí của mình, ngồi cạnh các bác để hướng dẫn, trao đổi và giúp các bác hoàn thành thủ tục cần làm. Đối với các dịch vụ công có thể hướng dẫn bằng cách gọi điện thoại, tôi luôn hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình. Có trường hợp công dân đến làm hồ sơ chưa được việc, nhưng họ vẫn vui vẻ ra về” - ông Đông chia sẻ.

Lắng nghe để tháo gỡ bức xúc

Theo quan niệm của ông Đông, ngoài việc hiểu các quy định về pháp luật của từng TTHC, người cán bộ cần phải hiểu và đồng cảm người dân; coi công việc của người dân như chính công việc của mình để hạn chế nhất những bức xúc. “Nhiều trường hợp người dân, “xả” bức xúc khi mới bước chân vào BPMC. Lúc đó, trên khuôn mặt người cán bộ luôn nở nụ cười, đón tiếp dân với thái độ nhẹ nhàng, nhiệt tình, lắng nghe người dân trình bày để tháo gỡ dần những bức xúc ấy. Thuyết phục được một người dân là nâng trình độ của mình lên một chút” - ông Đông nói.

Không những vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, ông Đông đã chủ động tập huấn, hướng dẫn cho các công chức, nhân viên UBND phường, đoàn viên thanh niên. Đồng thời tham mưu UBND phường ra quyết định thành lập tổ tình nguyện phục vụ hướng dẫn Nhân dân thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhà. Nghiên cứu làm tờ rơi về hướng dẫn đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với tất cả các thủ tục: Khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp giấy xác nhận hôn nhân, trích lục hộ tịch.

Từ cuối năm 2017, phường đã phát hơn 650 tờ rơi về các tổ dân phố cho công dân và được công dân đánh giá cao, dễ thực hiện và thuận tiện khi cần hỗ trợ. Nhờ đó, tỷ lệ công dân của phường đăng ký nộp hồ sơ tại nhà luôn đạt trên 80%, có thủ tục đạt 95%. Sáng kiến trên của ông đã được đã được UBND quận Bắc Từ Liêm công nhận và nhân rộng tại các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm triển khai áp dụng có hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần