Thành công nhờ làm tốt công tác tuyên truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Nam Từ Liêm, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, UBND phường Đại Mỗ và các lực lượng đã tổ chức cưỡng chế 38 công trình vi phạm của 37 hộ dân trên diện tích 1,6ha đất nông nghiệp ven đường 70.

Đây là đợt cưỡng chế lớn với diện tích đất vi phạm rộng, số hộ vi phạm nhiều và tình trạng tái phạm diễn ra từ hàng chục năm nay. Việc cưỡng chế này nhằm xử lý các vi phạm về đất công, trả lại mặt bằng sạch, phục vụ dự án đấu giá đất.

Vận động, hạn chế tối đa thiệt hại

Ông Nguyễn Minh Giảng - Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết, vì diện tích vi phạm lớn, số hộ vi phạm nhiều nên UBND phường đã quyết định cưỡng chế theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu sạch đến đó. Việc cưỡng chế các vi phạm trên diện tích 1,6ha này diễn ra trong 1 tháng, từ ngày 14/7 - 13/8 và được chia làm 5 đợt. Mỗi đợt, UBND phường tiến hành cưỡng chế từ 5 - 9 hộ với diện tích từ 3.000 - 5.000m2/đợt, đợt cuối, dự kiến vào ngày 13/8.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay, 10/37 hộ dân đã tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay, 10/37 hộ dân đã tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Các vi phạm trên đất nông nghiệp của 37 hộ dân trên diện tích 1,6ha tại đường 70 (địa phận phường Đại Mỗ) xảy ra rải rác từ hàng chục năm nay. Trước đây, huyện Từ Liêm đã tổ chức cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng sau đó, người dân lại tái phạm. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng lều, lán trại để kinh doanh đồ gỗ, quán café… trái phép trên đất nông nghiệp.

Đợt cưỡng chế lần này cũng đánh giá sự thành công của UBND phường Đại Mỗ nói riêng, UBND quận Nam Từ Liêm nói chung trong việc tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. “Vì diện tích cưỡng chế lớn, tài sản trên đất nông nghiệp nhiều nên chúng tôi xác định phải tích cực tuyên truyền vận động để bà con tự tháo dỡ, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân”- ông Giảng nói.

Trước khi tổ chức cưỡng chế, các ngành, đoàn thể của phường đã tổ chức, gặp gỡ vận động cho các hộ kinh doanh vi phạm tại đây hiểu và chấp hành nghiêm việc di chuyển phần công trình vi phạm. UBND phường cũng trực tiếp cử cán bộ thường xuyên đọc trên loa phát thanh, yêu cầu các hộ vi phạm tháo dỡ tài sản. Nhờ vậy, đến ngày 9/8, đã có 10 hộ dân tự nguyện tháo dỡ tài sản, công trình vi phạm, hoàn trả lại mặt bằng để sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch.

Thời gian tới, UBND phường Đại Mỗ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ vi phạm còn lại tự giác tháo dỡ công trình để hoàn trả mặt bằng sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật và tạo bộ mặt văn minh đô thị trên tuyến đường 70 qua phường Đại Mỗ.

Chặn tái phạm

Sau khi cưỡng chế, diện tích này được các cơ quan chức năng tiến hành quây tôn để tránh tình trạng tái phạm. UBND quận Nam Từ Liêm sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của quận GPMB để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất. Dự kiến, trước Tết Âm lịch, công tác GPMB và đền bù diện tích đất nông nghiệp cho người dân sẽ được thực hiện xong để tiến hành công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2016. GPMB là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo quận Nam Từ Liêm đặt mục tiêu và quyết liệt thực hiện trong năm 2015. “Nếu không GPMB được thì rất khó để phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm tại nhiều địa phương, một số mục tiêu không đạt được là do những vướng mắc trong công tác GPMB”- đại diện UBND quận cho biết. Vì thế, quận đã  chọn chủ đề “Năm giải phóng mặt bằng” cho năm 2015.

Theo báo cáo, đến nay, quận đã GPMB được hơn 100 dự án với diện tích trên 307ha. Nhiều dự án mang tính “lịch sử”, vi phạm thời gian dài, khó xử lý như dự án đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn, dự án Ngân hàng Chính sách xã hội… đã được quận Nam Từ Liêm và các cơ quan liên quan cưỡng chế và đang tiến hành GPMB. Việc cưỡng chế diện tích lớn tại vị trí đắc địa cạnh đường 70 của phường Đại Mỗ thể hiện sự quyết liệt trong xử lý vi phạm đất đai của quận Nam Từ Liêm.