Thành công nhờ liên kết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu “Đặc sản vùng miền” vào cuối năm 2014 đã tạo cơ hội cho người dân Thủ đô biết đến đặc sản của nhiều vùng miền trong cả nước.

Đặc biệt, hoạt động này đã hỗ trợ các siêu thị, DN bán lẻ có thêm sản phảm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2015.
Tỏi Lý Sơn được giới thiệu tại Hội chợ đặc sản vùng miền 2014.                 Ảnh: Linh Anh
Tỏi Lý Sơn được giới thiệu tại Hội chợ đặc sản vùng miền 2014. Ảnh: Linh Anh
 Những ngày này, để phục vụ nhu cầu mua sắm quà tặng, biếu trong dịp Tết Nguyên đán 2015, hầu hết các siêu thị đã bày bán giỏ quả Tết với nhiều loại bánh, kẹo, mứt, trà, cà phê, rượu, hạt điều, nho khô…, tùy thuộc là hàng nội hay hàng ngoại có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng/giỏ. Theo ghi nhận tại các siêu thị, người tiêu dùng chủ yếu tiêu thụ giỏ quà gồm sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có uy tín, giá dao động từ hơn 200.000 - 500.000 đồng/giỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những giỏ quà Tết “truyền thống”, một số siêu thị như Big C, Hapro, Fivimart… còn bày bán đặc sản vùng miền theo từng “chuyên đề” riêng biệt. Với “giỏ quà” gia vị thì các loại nước mắm đặc sản Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Bà luôn đứng hàng đầu. Các giỏ quà lấy bánh, mứt, kẹo, thực phẩm gác bếp… làm “đề tài” chính lại gồm những sản phẩm như lạp xưởng gác bếp, mứt dừa sữa, hồng sấy, bưởi sấy dẻo, kẹo dâu tây đi kèm với trà Mộc Châu, Thái Nguyên, chuối hột Phú Lễ, cà phê Lâm Đồng, rượu vang Đà Lạt… Những giỏ quà “đặc sản vùng miền” tùy thuộc vào số lượng có giá từ 150.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/giỏ.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Việc một số siêu thị bày bán đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu mua sắm và làm quà tặng trong dịp Tết Nguyên đán 2015 là minh chứng cho sự thành công của chương trình “Đặc sản vùng miền” vừa được ngành công thương Hà Nội tổ chức. Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy: DN 40 tỉnh, thành đã ký kết hơn 600 biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương với các DN bán lẻ Hà Nội như  DN Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bến Tre... đã ký kết biên bản hợp tác giao thương với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty CP Nhất Nam, Co.opmart… Nhờ đó, hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội hiện đã bày bán một lượng lớn đặc sản các vùng, miền, với các mặt hàng như dưa lưới thủy canh, tỏi Lý Sơn, rượu Thanh Long Phan Thiết, rượu sim Kon Tum… Không chịu thua kém, hệ thống siêu thị Fivimart cũng cung ứng ra thị trường gạo nếp nương, nấm hương Sơn La, tỏi Lý Sơn… Đặc biệt, tại hệ thống siêu thị Hapro Mart, ngoài những mặt hàng đặc sản truyền thống của Hà Nội như cam Canh, bưởi Diễn, còn phục vụ người dân Thủ đô cam Cao Phong (đặc sản của tỉnh Hòa Bình), đặc sản thịt trâu gác bếp, lạp xưởng của các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang...

Mặc dù DN các địa phương thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác đã tiêu thụ được đặc sản vùng miền trên thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro nhận xét: Một số địa phương trong quá trình cung ứng hàng hóa cho siêu thị chưa quan tâm đến mẫu mã, bao bì cho sản phẩm. Chẳng hạn, nhiều loại lạp xưởng, măng khô khi đưa vào siêu thị tiêu thụ chỉ được bao gói bằng những túi ny lon trắng bình thường, không có những điểm nhấn để tạo ấn tượng đến khách hàng. Một số ít DN đã chú trọng đến mẫu mã, bao bì nhưng lại không để tâm đến việc cung cấp thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng. Điều này dẫn đến việc, nhiều khách hàng muốn biết chất lượng, nguồn gốc, cách sử dụng phải được người bán thông tin trực tiếp. Thậm chí, một số DN mặc định người mua sản phẩm đã phải biết cách sử dụng, trong khi với đặc sản vùng miền, người ở địa phương khác không phải ai cũng biết cách sử dụng sao cho phù hợp. Điều đó cho thấy, để tăng cường tiêu thụ đặc sản vùng, miền trên địa bàn Hà Nội, DN các tỉnh rất cần một chiến lược bài bản, trước hết rất cần chú trọng tới việc thiết kế, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần