Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh thành xưa của Thăng Long - Hà Nội vẫn còn những điều bí ẩn chưa biết đến. Những bản vẽ, hình ảnh tại triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời” đang được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã giúp hồi sinh một phần câu chuyện lịch sử của thành cổ.

 Ảnh: Lại Tấn.
Tư liệu, bài học quý của ngàn năm
Những ngày qua, triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời” thu hút đông đảo người dân Thủ đô, học sinh đến tìm hiểu về lịch sử của thành cổ thông qua các tư liệu hiện vật như: Phiên bản ấn Sắc mệnh chi bảo, tài liệu Châu bản triều Nguyễn. Triển lãm chia làm hai phần: Nhà Nguyễn với Thành Thăng Long - Hà Nội và người Pháp với Thành Hà Nội.
Triển lãm “Thành Hà Nội – Dấu ấn một thời” giới thiệu gần 100 tài liệu, tư liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh tiêu biểu về Thành Hà Nội giai đoạn 1802 – 1945. Trong đó có sơ đồ Thành Hà Nội vẽ năm 1821 - 1831; các hình ảnh: Cửa Bắc, Đông, Tây, Nam của Thành Hà Nội (nhìn từ phía ngoài). Đặc biệt, tại triển lãm lần này, lần đầu tiên các tài liệu Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới được trưng bày trong không gian di sản Hoàng Thành Thăng Long.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh: “Triển lãm nhằm phản ánh một cách sinh động, chân thực về quá trình xây dựng, thay đổi cấu trúc không gian Thành Thăng Long – Hà Nội dưới thời Nguyễn và sự tác động của người Pháp. Đồng thời khẳng định hơn nữa về giá trị của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị”.
Theo các nhà nghiên cứu, triển lãm đã phần nào khái quát được sự thay đổi của Thành dưới sự tác động của nhà Nguyễn và người Pháp trong giai đoạn từ năm 1802 – 1945. Đồng thời khẳng định vai trò chính trị quan trọng của công trình này. Dưới thời Nguyễn, đây là nơi tổ chức các đại lễ, sự kiện quan trọng nhưng bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, dưới tác động của Pháp, công năng đã biến đổi thành nơi chỉ huy quân sự. Bên cạnh đó, triển lãm không chỉ là nguồn tư liệu quý cung cấp cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hoá mà còn là bài học lịch sử trực quan, sinh động với các em học sinh.
Làm rõ thêm giá trị của di sản
Thành Hà Nội được nhà Nguyễn cho xây dựng theo kiểu Vauban, trên nền của tòa thành cũ thời Lê. Điện Kính Thiên trở thành hành cung cho các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Đó cũng là nơi để tổ chức đại lễ bang giao và các lễ tiết quan trọng. Bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp hai lần đánh chiếm Hà Nội vào các năm 1873, 1882. Từ giai đoạn 1883 - 1897, dưới sự tác động của người Pháp, kiến trúc và công năng của Thành Hà Nội có nhiều biến đổi. Ngoài việc tận dụng một số công trình cũ, quân đội Pháp còn xây dựng thêm các công sự bảo vệ, các doanh trại làm trụ sở chỉ huy quân sự. Những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội nhiều lần được quy hoạch và mở rộng trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thông qua triển lãm giúp các em học sinh hiểu về diễn tiến lịch sử của mảnh đất mình đang sống. Đánh giá về triển lãm, cô Vũ Lan Hương – giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Hoạt động ngoại khoá này không chỉ giúp cho học sinh nắm được kiến thức lịch sử mà còn phát triển nhiều kỹ năng khác. Trước khi đến triển lãm, bao giờ chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho học sinh viết bài thu hoạch sau khi tham quan”.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, dù có nhiều biến đổi nhưng cho đến hôm này, Thành Hà Nội vẫn sừng sững hiên ngang. Đó không chỉ là minh chứng cho thời kỳ vàng son trong quá khứ của dân tộc Việt Nam mà còn là di sản văn hóa thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần