Thanh Hóa quyết liệt tấn công tội phạm buôn lậu, hàng giả
Kinhtedothi - Hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc giả bị triệt phá tại Thanh Hóa. Công an tỉnh đang mở cao điểm tấn công, xử lý mạnh tay các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng và thị trường.

6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng Thanh Hóa xử lý 829 vụ buôn lậu, hàng giả; chuyển Công an khởi tố 170 vụ, trong đó có vụ thuốc giả quy mô “khủng”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý từ sớm, từ xa
Thời gian qua, tình trạng buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và có quy mô lớn. Đáng lo ngại nhất là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người như: thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Các hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, làm dấy lên sự lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, kiên quyết và không khoan nhượng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn đã được phát hiện, triệt phá, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 829 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong số đó, 170 vụ đã được chuyển cơ quan công an để điều tra, khởi tố hình sự. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 93 tỷ đồng.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo từ Bộ Công an, từ ngày 15/5/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh tay với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, tiêu thụ hàng giả.
Sau hơn 1 tháng ra quân, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý 78 vụ vi phạm. Trong đó, có 4 vụ bị khởi tố hình sự và 74 vụ bị xử lý hành chính. Tổng số tiền xử phạt, truy thu thuế gần 10 tỷ đồng.

Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng.
Liên tiếp bóc gỡ các đường dây hàng giả quy mô lớn
Nhiều vụ việc điển hình đã cho thấy mức độ tinh vi, liều lĩnh và quy mô lớn của các đường dây hàng giả trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, Công an Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất thuốc giả cực lớn, bắt giữ 14 đối tượng, thu giữ gần 10 tấn thuốc tân dược giả và nguyên liệu sản xuất thuốc. Qua giám định, xác định có tới 21 loại thuốc giả chữa xương khớp, trị bệnh mãn tính, với tổng giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng.
Một vụ việc khác là triệt phá cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, gồm các loại thực phẩm chức năng như: thuốc giảm cân, thực phẩm bổ não, sữa cho người già, thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 4.000 thùng hàng, tương đương hơn 60.000 sản phẩm giả và hàng nghìn vỏ bao bì.
Ngoài ra, các vụ việc như: sản xuất 20.000 hộp viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả (trị giá khoảng 50 tỷ đồng), làm giả hàng loạt sản phẩm như “Khớp Tây Bắc”, “Cao Tây Bắc” hay triệt phá cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả với 24 dòng sản phẩm đã khẳng định mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này. Những đường dây này hoạt động bài bản, có sự phân công cụ thể, sử dụng bao bì tinh vi, thậm chí làm giả cả tem nhãn của các thương hiệu nổi tiếng.
Một trong những đối tượng chủ chốt bị bắt giữ là Nguyễn Khánh Tùng (SN 1973, trú Nghệ An) - kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu các mặt hàng giày dép, thắt lưng, ví, túi giả mạo các thương hiệu quốc tế. Đối tượng này đã bị khởi tố và tạm giam 3 tháng để phục vụ điều tra.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, tạo niềm tin trong Nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với sự tham gia của nhiều đối tượng, hình thức ngày càng tinh vi, có yếu tố xuyên quốc gia. Đặc biệt, hàng hóa liên quan đến sức khỏe như thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm vẫn là những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất do lợi nhuận cao.
Công an tỉnh Thanh Hóa xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân.
Trong thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa; đồng thời chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ngay từ sớm, từ xa.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tác hại của hàng giả, cách phân biệt hàng thật – hàng nhái sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Việc tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng chủ động nhận diện và tố giác hành vi vi phạm cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống hàng giả trong bối cảnh hiện nay.

Hà Nội: 50 hộ kinh doanh ở La Phù tự giao nộp 25 tấn hàng giả, kém chất lượng
Kinhtedothi - Công an TP Hà Nội cho biết, tính hết ngày 9/7, hơn 50 hộ cá thể ở La Phù đã tự nguyện giao nộp khoảng 25 tấn bánh kẹo, thực phẩm các loại như: táo đỏ, xúc xích, lương khô… không đảm bảo điều kiện kinh doanh. Lực lượng chức năng đã tiếp nhận và tiêu hủy toàn bộ số bánh kẹo này.

Tỉnh Điện Biên quyết liệt chống hàng giả, buôn lậu
Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đang tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đại biểu HĐND TP đề xuất giải pháp cho vấn đề chống hàng giả, thực phẩm bẩn
Kinhtedothi - Chiều 8/7, thảo luận tại tổ tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới giải pháp quản lý an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tại Hà Nội.