Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh khoản biệt thự, nhà liền kề không hẳn phụ thuộc vào quy hoạch dự án

Lê Mai (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tại thị trường Hà Nội, phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở không ít dự án có giao dịch kém sôi động so với phân khúc căn hộ.

 Ông Nguyễn Hữu Cường -Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội 

Một số ý kiến cho rằng, tình trạng này là hệ quả của quy hoạch dự án chưa phù hợp. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường đã phủ nhận nguyên do này. Ông cho rằng, phân khúc biệt thự, liền kề không phải dành cho thị trường đại chúng mà rất kén chọn người mua.

 Ông nhận định thế nào về phân khúc biệt thự, liền kề hiện nay trên địa bàn Hà Nội?

- Theo số liệu của đơn vị nghiên cứu thị trường thì nguồn cung phân khúc biệt thự, liền kề năm 2017 khá dồi dào. Chỉ tính riêng quý II/2017, nguồn cung đạt 37.787 căn, tăng 4,8% theo quý và tăng 15,8% theo năm. Số lượng giao dịch cũng tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi, từ nay đến cuối năm, việc biến động về giá ở phân khúc này khó xảy ra, ngay cả với lượng giao dịch thành công cũng vậy. Nếu có đột biến một chút thì đó là những dự án có vị trí tốt với quy hoạch đồng bộ.

Vậy phải chăng, những dự án có lượng giao dịch kém là do quy hoạch chưa phù hợp?

- Không thể nói là quy hoạch không phù hợp. Đối với phân khúc biệt thự, liền kề, thì rõ ràng dự án cần diện tích đất rộng, không gian xanh, thoáng. Vì thế, quy hoạch dự án ở ngoại thành, ven đô hay giáp ranh mới đáp ứng được. Chủ đầu tư khi thực hiện quy hoạch dự án, họ cũng tính toán những tiện ích đồng bộ để thu hút khách hàng, vì đây là dòng sản phẩm kén chọn người mua.

Hơn nữa, những khách hàng của phân khúc này hầu hết họ đã có nhà ở thiết yếu, có điều kiện tài chính nên phần lớn là mua đầu cơ. Do đó, họ phải tính toán rất kỹ tính thanh khoản cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm. Họ phải nhìn thấy được lợi ích trong tầm với, không chờ đợi ngày hái quả quá lâu vì vốn bỏ ra nhiều. Đây cũng chính là lý do, vì sao những dự án nội đô, giáp ranh, giá biệt thự, liền kề cao nhưng vẫn nhộn nhịp giao dịch, vì nhà đầu tư nhìn thấy hệ thống hạ tầng đã và đang hoàn thiện, các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh rõ ràng hơn. Còn đối với những dự án xa trung tâm, giá thấp hơn, dự án được quy hoạch tương đối đầy đủ nhưng lại không đồng bộ bởi những công trình hạ tầng lân cận như điện, đường, trường, trạm,.. nên vẫn kém hấp dẫn như các khu Văn Phú, Quang Minh, Nam An Khánh,…

Một nguyên do nữa cũng cần phải nói đến, đó là hiện nay, sản phẩm thị trường BĐS rất phong phú, cho nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn. Ví như phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, dòng sản phẩm như condotel được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 - 12%/năm trong  vòng 5 - 10 năm đầu, từ cho thuê. Đây là hình thức đầu tư  mới và khá hấp dẫn nên thị trường biệt thự, liền kề ven đô Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy, tính thanh khoản của phân khúc không hẳn phụ thuộc vào quy hoạch dự án.

Theo ông, liệu những dự án xa trung tâm ấy có hồi sinh?

- Có chứ. Chỉ là thời gian nhanh hay chậm thôi. Khi những quy hoạch về hạ tầng của khu vực hoàn thiện, người dân cảm thấy tiện ích khi sống ở đây, không lo mưa ngập không có đường về, không lo nơi học cho con hay khó khăn trong việc di chuyển,... và họ mua để ở không phải để đầu cơ thì dự án mới hồi sinh đúng nghĩa. Còn nếu có giao dịch mà vẫn là từ tay người này “đá” sang tay người kia với mục đích lợi nhuận thì cả khi những biệt thự, liền kề ấy có chủ vẫn “hoang hóa”.

Xin cảm ơn ông!

Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng