Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 1268 phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng. Trường Đại học Cần Thơ có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị thành lập Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng theo quy định.
Được biết, từ tháng 1/2022, Hội đồng trường Đại học Cần Thơ đã có Nghị quyết phê duyệt chủ trương thành lập 2 Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, dự kiến kế hoạch đào tạo của Phân hiệu gồm: đào tạo ngắn hạn ở các lĩnh vực (ngoại ngữ, tin học, thủy sản, kỹ thuật công nghệ,…); đào tạo ngoài chính quy; đào tạo chính quy trình độ đại học với 18 ngành; đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ với 25 ngành ở các lĩnh vực nông nghiệp. Quy mô đào tạo ở bậc sau đại học dự kiến từ 460 - 600 chỉ tiêu/năm. Ngoài ra, Phân hiệu cũng dự kiến đào tạo chương trình giáo dục phổ thông với mô hình trường phổ thông trực thuộc trường sư phạm.
Theo ông Trần Văn Lâu, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo tỉnh đã làm việc và thống nhất chủ trương với trường Đại học Cần Thơ để trình cấp có thẩm quyền thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng.
Việc thành lập Phân hiệu trường Đại học Cần Thơ tại tỉnh Sóc Trăng sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư nguồn lực. Đây là mô hình vừa phù hợp với năng lực của trường Đại học Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng vừa đúng với quy định của pháp luật; tạo cơ hội học tập cho con em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với đa dạng ngành và chuyên ngành đào tạo, cấp bậc đào tạo, phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Sóc Trăng và vùng lân cận.
Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng chiến lược phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp và định hướng phát triển của địa phương về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chế biến, kỹ thuật công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu.