70 năm giải phóng Thủ đô

Thành lập tổ công tác cải thiện môi trường kinh doanh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 14/2, Bộ KH&ĐT ban hành Quyết định số 170/QĐ-BKHĐT thành lập tổ công tác triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo một số đơn vị của Bộ KH&ĐT.

Đáng lưu ý, danh sách thành viên tổ công tác có 3 chuyên gia kinh tế. Đó là TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS Nguyễn Bá Ân - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Theo Quyết định, nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức tham vấn, đối thoại với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị giải pháp tương ứng; giúp lãnh đạo Bộ KH&ĐT theo dõi, đánh giá tình hình và đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 02; báo cáo lãnh đạo Bộ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia…

Tổ trưởng tổ công tác, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong quá trình hoạt động của tổ, tùy từng vấn đề, sẽ mời thêm các chuyên gia, các công chức, viên chức trong và ngoài Bộ KH-ĐT.

Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022. Mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu; Năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; Hiệu quả logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; An toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc.