Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành Nhà Hồ - 10 năm bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Minh Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 6 thế kỷ ra đời, với những giá trị đã được khẳng định, năm 2011 thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trở thành niềm tự hào của không riêng người dân xứ Thanh. Sau 10 năm được công nhận Di sản văn hóa thế giới, đến nay công tác bảo tồn, phát huy giá trị thành Nhà Hồ đã có những biến chuyển rõ rệt, định danh một di sản trong lòng dân tộc cũng như bạn bè quốc tế.

 Năm 2011 thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trở thành niềm tự hào của không riêng người dân xứ Thanh. 
Đồng lòng bảo vệ di sản
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới thành Nhà Hồ, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ. Theo quyết định trên, tổng diện tích quy hoạch của di sản sẽ được nâng lên trên 5.200ha. Trong đó, diện tích vùng lõi (khu vực bảo tồn đặc biệt) là 155ha bao gồm: Thành nội, La Thành, Đàn tế Nam Giao và diện tích vùng đệm trải dài trên địa bàn 9 xã, thị trấn. Bên cạnh đó là vùng không gian kiến trúc cảnh quan di tích Ly cung (thuộc huyện Hà Trung)...

Kế hoạch quản lý di sản thành Nhà Hồ được ban hành, đã đưa ra các chiến lược bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, tạo ra khuôn khổ nhằm đảm bảo cho việc quản lý di tích một cách hiệu quả và toàn diện trong tương lai, đáp ứng các yêu cầu của UNESCO. Bên cạnh đó còn đề cập, đề xuất các hoạt động nhằm giải quyết nhiều vấn đề như việc bảo tồn, bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên và văn hóa.

Việc nghiên cứu diễn giải, tiếp cận di sản, vai trò giáo dục của di sản, vai trò của cộng đồng, vấn đề cân bằng lợi ích, trách nhiệm của người dân đối với di sản còn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Với tầm nhìn dài hạn trong khoảng 30 năm, kế hoạch quản lý còn đặt ra các hoạt động cụ thể nhằm từng bước đạt được các mục tiêu trong từng giai đoạn.

Giai đoạn 2011 - 2020, công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ được tập trung ưu tiên - đặc biệt ở các điểm di tích ở thành nội, hào thành, đàn tế Nam Giao… Trong đó, tiêu điểm như các dự án nghiên cứu khai quật khảo cổ con đường Hoàng Gia, dự án khai quật công trường đá An Tôn, dự án khai quật di tích Gò Ngục và Cồn Mả; khai quật Đàn tế Nam Giao…

Bên cạnh công tác khảo cổ, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo di tích cũng luôn được chú trọng. Đơn cử như vấn đề “Tính cấp thiết của viêc chống xuống cấp các kiến trúc, di vật của di tích đã phát lộ qua khai quật”, “Đầu tư các công trình phụ trợ, đảm bảo việc mở cửa phục vụ đón khách du lịch và làm tăng thêm tính hấp dẫn cho Di sản thế giới thành Nhà Hồ”… Một số hạng mục đã được bảo tồn cụ thể như: Chống sụt lở, chống xuống cấp cho nền đàn tế Nam Giao, các cấp nền đàn, các móng tường đàn, cống nước, sân nền, bậc lên xuống và đường đi, xây dựng hệ thống thoát nước trên núi cho di tích…

Dự án “Chống thấm tại vòm cửa Nam thành Nhà Hồ”, đã ngăn ngừa nước mưa xâm nhập vào các khối đá tại cổng vòm, đảm bảo việc cổng Nam thành Nhà Hồ không bị tình trạng đọng nước và thấm dột lâu ngày gây ảnh hưởng tới việc bảo tồn di sản cũng như phục vụ khách tham quan. Dự án “Tu sửa cấp thiết tường thành đá phía Đông Bắc do bị sạt lở do mưa bão năm 2017”, nhằm bảo tồn nguyên vẹn hệ thống tường thành và phát huy giá trị nổi bật của di sản phục vụ phát triển du lịch.
 Hướng dẫn du khách tham quan thành Nhà Hồ
Để giá trị di sản đi vào đời sống

Song song với nhiệm vụ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khảo cổ cũng như bảo vệ, bảo tồn di sản thì việc quảng bá, phát huy giá trị di sản đến với bạn bè trong và ngoài nước là một trong những nhiệm vụ cốt yếu. Sau 1 thập kỷ di sản được Unesco công nhận, thành Nhà Hồ đã và đang là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Từ con số khách tham quan chỉ dừng lại ở vài nghìn lượt khách mỗi năm, sau 10 năm (từ 2011 - 2020), con số ấy đã không ngừng tăng lên hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Đối tượng du khách cũng đa dạng, phong phú hơn, không chỉ có khách nội tỉnh, ngoại tỉnh mà khách quốc tế ngày càng tăng. Trong đó, công tác đón tiếp, thuyết minh cho du khách cũng được nâng cao về chất và lượng. Điều đó tạo nên tiền đề, động lực cho trung tâm phát huy hơn nữa công tác quảng bá hình ảnh, giá trị của khu di sản tới du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Nói như lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản thành Nhà Hồ, ngoài công tác chuyên môn của cấp ngành - một trong những vai trò không thể thiếu trong bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản đến với bạn bè trong và ngoài nước chính là người dân. Việc phát huy giá trị di sản thành Nhà Hồ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho họ. Trong đó có việc tham gia vào việc bảo tồn di tích, quảng bá các giá trị di sản, phát triển ngành du lịch.

Hiện nay, nhiều người dân xung quanh khu vực thành nội đã và sẽ tiếp tục được tuyển chọn vào đội Bảo vệ và Cứu hộ di tích. Một số con em nhân dân trong khu vực được khuyến khích theo học ngành văn hóa, du lịch đã được nhận về công tác tại di tích và tất cả công nhân khai quật là người lao động tại địa phương,...

Việc phát triển du lịch tạo ra nhiều việc làm cho dân địa phương và đặc biệt là phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh của người địa phương. Bao gồm các cơ sở sản xuất và bán đồ thủ công, các nhà hàng, khách sạn, các khu vực nuôi trồng sản vật nông nghiệp địa phương. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di sản thành Nhà Hồ tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở, trang thiết bị cho một số hộ dân địa phương kinh doanh, buôn bán phục vụ khách du lịch...