Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Thanh niên là lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên. Ảnh VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Ảnh VGP

Đối thoại diễn ra bằng hình thức trực tiếp, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư và khoảng 300 đại biểu thanh niên đại diện cho các khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nhân trẻ, công nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị; thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo và thanh niên khuyết tật.

Phát huy tinh thần 5 sẵn sàng 

Phát biểu khai mạc chương trình, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy bày tỏ: Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia" được tổ chức đúng vào dịp Tháng Thanh niên và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và phát huy vai trò, tinh thần tiên phong, xung kích của thanh niên trong tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói riêng.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 là chương trình đối thoại được tổ chức lần thứ 2 sau khi có Luật Thanh niên năm 2020. Ngay sau đối thoại năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh VGP
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh VGP

Mỗi một năm, Thủ tướng quyết định chương trình đối thoại với những chủ đề khác nhau. Năm nay, chủ đề được xác định: "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số quốc gia".

Với hai lý do cơ bản, một là Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện.

Đồng thời kỳ vọng thanh niên Việt Nam phát huy cao tinh thần năm sẵn sàng như như thông điệp của Thủ tướng đã gửi gắm đến thanh niên tại chương trình đối thoại năm 2023.

Đó là, sẵn sàng bảo vệ mục tiêu lý tưởng của Đảng, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng giữ vững bản lĩnh ý chí, khát vọng vươn lên, sẵn sàng thích ứng và làm chủ trong cuộc cách mạng 4.0, sẵn sàng tiên phong chuyển đổi số, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu làm bất kỳ việc gì, xông pha vào việc khó, việc mới khi Tổ quốc cần.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên.

Với sứ mệnh là chủ nhân tương lai, là rường cột của nước nhà, thanh niên chính là lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển.

Thủ tướng chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu. Ảnh VGP
Thủ tướng chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu. Ảnh VGP

An toàn an ninh mạng được coi là phanh của chiếc xe chuyển đổi số

Tại cuộc đối thoại, bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?

Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi. Ảnh VGP
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi. Ảnh VGP

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, an toàn an ninh mạng được coi là phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.

Trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh VGP
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh VGP

Tuy nhiên việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.

Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

Đối với người dân, chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trả lời về an toàn an ninh mạng. 
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trả lời về an toàn an ninh mạng. 

Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.

Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây chúng tôi tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời chúng tôi cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.

Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng.

Phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước 

Bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có phần liên quan tới an ninh mạng.

Cùng với đó, phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau; đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý 3 phong trào thanh niên cần triển khai. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý 3 phong trào thanh niên cần triển khai. 

Thủ tướng bày tỏ: "Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.

Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ; phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".

Cơ sở dữ liệu quốc gia tạo đột phá về kết nối, chia sẻ dữ liệu 

Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng - Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn. 
Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng - Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn. 

Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn đặt câu hỏi: Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp nói chung đã là việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua, chứ không phải việc thời gian tới định làm gì nữa.

Ở đây chúng ta có điểm đột phá là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai cho giai đoạn vừa rồi.

Nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian vừa qua, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích, ví dụ số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với Ủy ban quốc gia là trong mùa tuyển sinh vừa rồi có hơn 97% thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến thay vì trực tiếp bằng bản giấy. Có được như vậy là nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu, là nhờ xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay có khoảng hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này, trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày.

Vì vậy các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang Thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Các doanh nghiệp trẻ trước hết có thể lên khai thác ngay dữ liệu mở được các bộ, ngành, địa phương cung cấp mà không cần đáp ứng điều kiện gì.

Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, trên thế giới, ở các nước chúng tôi được cho đi nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm như chúng ta đã làm trong giai đoạn vừa qua. Trong đó có 6 bước phải rất lưu ý trong quá trình chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06.

Thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị và nền pháp lý phù hợp, đầy đủ với công cuộc chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm trực tiếp chỉ đạo khi chúng ta xong Dự án Dữ liệu dân cư quốc gia, Dự án Xây dựng, quản lý cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Ngày 6/1/2021, Thủ tướng đã có Đề án 06 như tôi đã nêu. Đến ngày 21/12/2023, Thủ tướng đã chủ trì, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 và ngày 11/2/2024, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về thực hiện Đề án 06 cho năm 2024 và nhiệm vụ đến năm 2025 với 23 nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu Chính phủ tới các yếu tố pháp lý là chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, các nghị định về bảo vệ dữ liệu, thông tư về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Tiến tới chúng ta tiếp tục xây dựng luật dữ liệu và nâng thông tư bảo vệ dữ liệu lên thành Luật Bảo vệ dữ liệu, chúng ta sẽ từng bước hoàn thành.

Thứ hai, là phải có hạ tầng công nghệ, tức là các thiết bị phần cứng và phải có bộ phần mềm để thực hiện.

Thứ ba, chúng ta phải có dữ liệu vì tất cả mà không có dữ liệu thì sẽ không tạo nên được kết nối, chia sẻ. Ở đây tôi đề nghị các bạn thanh niên lưu ý dữ liệu chia hai nhóm, nhóm thứ nhất là dữ liệu phát sinh hằng ngày của các cơ quan, các địa phương thì được số hóa ngay và nhóm thứ hai là dữ liệu phải số hóa của những hồ sơ giấy trước đây đang lưu trữ. Trong nhóm dữ liệu hồ sơ giấy chia làm hai loại, loại sạch, đủ, chính xác thì sẽ số hóa luôn, loại còn có nhiều vấn đề phải xác minh, bổ sung, sửa đổi thì sẽ làm dần từng bước.

Thứ tư, chúng ta phải có một giải pháp bảo mật. Bảo mật là giải pháp chung, quan trọng nhất là bảo mật chính ở mỗi người, nếu mỗi người không bảo vệ được chính mình thì sẽ không bảo vệ được hệ thống.

Thứ năm, là con người công nghệ, những chuyên gia về công nghệ theo từng lĩnh vực như lĩnh vực về phần mềm, bảo mật, thiết bị và công nghệ. Đấy là những chuyên gia sẽ nghiên cứu, đưa ra giải pháp, nhưng chúng ta đa phần ở đây là con người thụ hưởng công nghệ. Như vậy, chúng ta chia ra hai nhóm, nhóm chuyên gia để sáng tạo và nhóm thụ hưởng để thực hiện.

Thứ sáu, là ngân sách, ngân sách để đầu tư cho các phần như chúng ta nói là thiết bị công nghệ, xây dựng phần mềm, tạo lập, làm giàu dữ liệu.

Sau khi có dữ liệu, hiện nay Việt Nam đã có trên 105 triệu dân. Như vậy thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "Đúng – Đủ - Sạch – Sống" chúng ta đã có dữ liệu rất chính xác. Chúng ta cũng đã có 89 triệu người đã được định danh và định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Theo Nghị quyết 175, ngày 30/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia. Tại đó chúng ta sẽ có 8 luồng dữ liệu sẽ xây dựng đó là dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.

Trên những nguồn dữ liệu chính như vậy, cùng các dữ liệu chuyên ngành chúng ta phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, chúng ta sẽ có kết nối, chia sẻ có hiệu quả, chúng ta sẽ tạo dần nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; đồng thời tạo nên nền kinh tế số, phòng chống tội phạm, cụ thể là phòng ngừa tham nhũng vặt, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.

Chúng tôi đang phấn đấu theo chỉ tiêu Thủ tướng đề ra là đến năm 2025 đứng trong 70 nước là chính phủ điện tử trên thế giới và đến năm 2030 chúng ta sẽ là top 50 nước khai thác hiệu quả chính phủ điện tử.

Đoàn viên Nguyễn Thị Quỳnh Thư - công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. 
Đoàn viên Nguyễn Thị Quỳnh Thư - công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. 

Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội đặt câu hỏi: Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Như chúng ta đã biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 được phê chuẩn tại Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục thành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với đó là việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia.

Để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân, trên thực tế việc cải cách thủ tục hành chính chưa được như ý muốn, còn nhiều tồn tại, việc kết nối cải cách thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số chưa đồng bộ, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tồn tại này.

Song song với các giải pháp như trên, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.

Về nội dung bạn hỏi có 2 giải pháp: Về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dễ hiểu.

Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ. Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.

Về nội dung chuyển đổi số, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính.

Có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo

Trả lời thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thứ nhất, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.

Vấn đề thứ hai, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục thì có nhiều giải pháp, nhưng hai giải pháp rất cơ bản gồm: Một là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; hai là ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan giải quyết thủ tục.

Giải pháp thứ ba là riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Muốn chuyển đổi số thì phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện, dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, thì Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có ưu tiên về chính sách, đào tạo nhân lực… với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.  

Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.