Thanh niên thiếu kỹ năng khi xin việc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm 2010 đến nay, tháng nào ở Hà Nội cũng có hai phiên giao dịch việc làm với lượng chỉ tiêu tuyển dụng lớn.

KTĐT - Từ đầu năm 2010 đến nay, tháng nào ở Hà Nội cũng có hai phiên giao dịch việc làm với lượng chỉ tiêu tuyển dụng lớn.

Các hội chợ việc làm, ngày hội việc làm do các đơn vị, ban ngành tổ chức cũng liên tục diễn ra. Tất cả đều mong muốn làm một cầu nối để doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là lao động trẻ gặp nhau. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động như mong muốn. Ngoài lý do doanh nghiệp chưa hài lòng về trình độ học vấn, tay nghề của ứng viên, còn một nguyên nhân: Lao động trẻ tỏ ra không mấy hiểu biết về công việc định làm.


Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 160 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học và các trường dạy nghề, khoảng 200 nghìn học sinh trung học gia nhập thị trường lao động. Tại hội thảo về chính sách của Nhà nước, thành phố liên quan đến giải quyết việc làm và học nghề cho lao động trẻ Thủ đô do Thành đoàn tổ chức, bà Nguyễn Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên và thanh niên có trình độ ĐH, CĐ cao hơn mức chung (5,01% so với 2,44%). Một trong những nguyên nhân là sức ỳ của thanh niên khi xin việc còn lớn. Thêm nữa, việc chọn nghề chưa sát với thực tế, thích bằng cấp hơn là làm chủ kỹ năng chuyên môn. Trong khi đó, tâm lý của các bạn trẻ chỉ muốn tìm được việc lương cao, không vất vả, mà không quan tâm tìm hiểu vị trí mình sẽ ứng tuyển như thế nào.


Chẳng nói đâu xa, ngày hội việc làm thanh niên tại trường ĐH Công nghiệp vừa qua là một ví dụ. Tại đây có tới 4.000 chỉ tiêu tuyển dụng, nhưng rất khó tuyển dụng. Tại các gian hàng của những công ty lớn, rất đông ứng viên chờ cơ hội phỏng vấn, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay người được chọn. Lý giải cho việc này, một ý kiến được đưa ra là lao động trẻ rất thiếu kỹ năng. Nhiều ứng cử viên đến phỏng vấn nhưng không có thái độ nghiêm túc, không hiểu gì về công ty mình đang tuyển dụng, hay công việc mình định làm...Thiết nghĩ, sự yếu kém này ít nhiều xuất phát từ việc các bạn trẻ không được trang bị học vấn, kỹ năng tốt nhất khi ra trường.


Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước chính thức đưa kỹ năng mềm thành môn học tăng cường bắt buộc cho sinh viên. Bắt đầu từ năm học 2009-2010, sinh viên của trường thuộc hệ đào tạo chất lượng cao bắt buộc phải học và thi kỹ năng mềm. Trước khi triển khai chương trình đào tạo này, trường đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 800 sinh viên, kết quả là có đến 70% sinh viên không biết cách hoà đồng hoặc làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học yếu... Trước thực trạng đó, ĐH Quốc gia Hà Nội giao cho Trung tâm Hỗ trợ sinh viên xây dựng và triển khai chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm giúp các em phát huy tối đa được năng lực bản thân trong học tập và xã hội. Nếu chương trình được triển khai đại trà cho toàn bộ các trường, như vậy có lẽ lao động trẻ sẽ tiếp cận việc làm một cách chủ động và hiệu quả hơn.