Thanh Oai cần đẩy mạnh cải cách hành chính bắt đầu tư cấp xã

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 28/6/2016 của Thành ủy Hà Nội, chiều nay (16/5), đoàn kiểm tra số 2 của Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm trưởng đoàn có buổi làm việc với huyện ủy Thanh Oai và các xã, đơn vị liên quan.

 Quang cảnh buổi làm việc tại Huyện ủy Thanh Oai.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết: Huyện ủy, UBND huyện đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình 03-CTr/TU về “đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020” và Kế hoạch 171 ngày 20/9/2016 của UBND TP đến các phòng, ban, xã, thị trấn, đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động cộng đồng DN và Nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện.
Huyện cũng chú trọng kiểm tra, giám sát, với nhiều cuộc giám sát chuyên đề về các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của huyện, cùng với sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của T.Ư, các chương trình của Thành ủy, Huyện ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, cải cách hành chính…
Nhờ các giải pháp đồng bộ, kinh tế huyện duy trì tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại; thu nhập người dân được nâng cao, trên 40 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách huyện hàng năm đều đạt trên 500 tỷ đồng, vượt kế hoạch TP giao; Xây dựng nông thôn mới đã đạt 85% mục tiêu (17 xã được công nhận); giáo dục - đào tạo xếp thức 18/30 quận, huyện, với nhiều giải cao trong các cuộc thi của TP…
Cùng với đó, nhiều vụ việc phức tạp tồn đọng tại huyện được tập trung giải quyết, cơ bản dứt điểm và đảm bảo ổn định tình hình, như giải phóng 1,7ha đường trục phát triển kinh tế phía Nam qua xã Thanh Thùy; kiến nghị về bồi thường hỗ trợ GPMB của các DN từ những năm trước đây tại Bình Minh, Tam Hưng…
Từ thực tế triển khai và khó khăn hiện nay, lãnh đạo huyện đề nghị để hỗ trợ địa phương và các DN trên địa bàn, TP cần quan tâm phê duyệt các dự án đầu tư của một số DN vào địa bàn huyện đã trình sở, ngành của TP; có cơ chế về tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho DN đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời sớm phê duyệt dự án cho nhà đầu tư vào mở rộng Cụm công nghiệp Thanh Thùy theo Nghị định 68. Cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công đường Cienco 5, TP cũng cần sớm điều chỉnh quy hoạch dọc ven đường trục Cienco 5 trên địa bàn huyện.
 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu
Lắng nghe các ý kiến trao đổi từ đại diện huyện, xã và các sở, ngành tại đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh: Thanh Oai đã cụ thể hóa các chỉ tiêu trong Chương trình 03-CTr/TU thành các chỉ tiêu trong những chương trình công tác trọng tâm của huyện, cùng các nghị quyết chuyên đề, như phát triển làng nghề, nguồn nhân lực, kinh tế tư nhân, quản lý tài nguyên…, thể hiện sự sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của huyện.
Từ đó, đã góp phần tạo nên những chuyển động toàn diện về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, nhất là so với thời điểm trước Hà Nội hợp nhất thì khi đó Thanh Oai còn là huyện rất nghèo, cải cách hành chính (CCHC) từ chỗ rất kém thì nay đã nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh tính bền vững của tăng trưởng kinh tế cần được huyện quan tâm cân nhắc để có định hướng rõ trong thời gian tới, vì phát triển các làng nghề tại huyện sẽ ngày càng bị cạnh tranh mạnh. Trong công tác CCHC, dù đã tiến bộ huyện vẫn nằm ở top cuối, mà theo các sở là do điều hành, minh bạch các thủ tục cũng như năng lực cán bộ ở cấp xã tại huyện còn hạn chế. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực từ đất đai, xã hội hóa xây dựng hạ tầng và các thiết chế văn hóa còn yếu.

Do đó, tới đây huyện cần rà soát lại để chọn văn bản, nghị quyết nào thuộc Chương trình 03-CTr/TU phù hợp với điều kiện của địa phương, thống kê lại các giải pháp để cơ cấu lại kinh tế, tăng cường sức cạnh tranh, để áp ứng yêu cầu phát triển của TP. Trong đó, cần xem những chỉ tiêu nào chưa đạt để có giải pháp cụ thể. Đặc biệt, nên chú trọng vào các giải pháp của TP, cụ thể hóa việc tái cơ cấu nền kinh tế vào điều kiện của huyện trong sản xuất nông nghiệp sạch-chất lượng cao, trong sản xuất công nghiệp, thương mại.

Đồng thời, cần chú trọng giải pháp huy động nguồn lực của địa phương về con người, đất đai, làng nghề… hiện có; đề xuất với TP về cơ chế hỗ trợ phát triển làng nghề, DN vừa và nhỏ. Cùng với đó, huyện cần đẩy mạnh CCHC bắt đầu từ cấp xã, trong đó chú trọng tính năng động của cán bộ công chức. Chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới, huyện cần có những giải pháp hiệu quả để kinh tế huyện có những bước phát triển nổi bật, chứ không thể tự bằng lòng với kết quả đạt được. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần