Khi người dân bắt nhịp chuyển đổi số
Chia sẻ niềm vui khi hoàn thành thủ tục được cấp xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ bằng vài thao tác đơn giản, nhanh gọn trên điện thoại, chị Lê Thị Huyền (ở thôn Mỹ, xã Cự Khê) cho hay: “Tôi rất bất ngờ và phấn khởi khi việc làm hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) giờ đây đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Nhất là khi được thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của xã đến tận nhà hướng dẫn nhiệt tình, từ tạo tài khoản đến thực hiện các bước và hoàn thành hồ sơ thủ tục chỉ trong vài phút”.
Không chỉ có chị Huyền nhận thấy rõ sự thuận tiện, hữu ích từ thực tế, nhiều người dân trên địa bàn xã Cự Khê đến thời điểm này đã tự tin sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối internet.
Lợi ích rõ rệt nhất mang đến cho người dân không thể không nhắc tới là rút ngắn thời gian gửi - nhận hồ sơ, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại. Đặc biệt, là người dân còn theo dõi, giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước từ khi nộp hồ sơ cho đến khi nhận kết quả cũng như được tham gia đánh giá mức độ hài lòng, góp ý trực tuyến.
Là tiểu thương có thâm niên kinh doanh hàng chục năm, song chị Nguyễn Thị Quyên (ở thôn Kim Lâm, thị trấn Kim Bài) chưa bao giờ nghĩ việc thanh toán tiền mặt lại tiện lợi đến thế. Thay vì sử dụng tiền mặt để giao dịch nhập hàng và bán hàng, giờ đây chị Quyên đã có thêm chọn kênh thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tin cậy.
“Tuần trước, tôi vừa được các bạn thanh niên trong Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn sử dụng dịch vụ số Viettel Money. Nhờ vậy, tôi đã có thể tự thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng” - chị Nguyễn Thị Quyên chia sẻ.
Theo chia sẻ của chính các thành viên trong Tổ công nghệ số thị trấn Kim Bài, dịch vụ Mobile Money thanh toán không dùng tiền mặt thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân, hộ kinh doanh bởi sự đơn giản, tiện lợi và an toàn. Chỉ cần thẻ sim, người dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng trên cả thiết bị thông minh hay điện thoại phổ thông. Thậm chí không cần mở tài khoản ngân hàng hay kết nối internet. Phương thức này rất phù hợp với dân cư khu vực nông thôn.
Số liệu thống kê của Huyện đoàn Thanh Oai cho thấy, chỉ tính riêng ngày 27/8 – ngày đồng loạt ra quân hỗ trợ người dân chuyển đổi số, 21 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hỗ trợ thành công hàng trăm lượt công dân cài đặt và sử dụng các dịch vụ số.
Cụ thể, hỗ trợ hơn 30 lượt công dân thực hiện các TTHC (Cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh, chứng thực bản sao từ bản chính) tại Bộ phận một cửa UBND huyện, UBND xã, Công an huyện. Cùng với đó, các nhóm thành viên trong Tổ cũng đến từng nhà người dân để giới thiệu về các TTHC được thực hiện DVCTT mức độ 3 và mức độ 4, với gần 100 công dân được hướng dẫn sử dụng thành thạo các bước nhập hồ sơ tại nhà. Đặc biệt, đã hỗ trợ trên 50 công dân cài app thanh toán không sử dụng tiền mặt như: VNPT money, Mobifone money, Viettel money.
“Cánh tay nối dài” của chính quyền số
Theo Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai Nguyễn Minh Nguyện, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và ngay sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển đổi số dành cho cán bộ đoàn, đoàn viên của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội, Huyện đoàn Thanh Oai đã xây dựng kế hoạch về việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại 21 xã, thị trấn. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng xã Cự Khê làm điểm với 16 thành viên.
Để các Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả, lan tỏa giá trị thiết thực tới từng người dân, từng gia đình, Huyện đoàn Thanh Oai đã xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Theo đó, các thông tin về chuyển đổi số được truyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thanh, phong phú, sinh động trên kênh zalo, fanpage… với các thông điệp dễ nhìn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ.
Đơn cử như, tuyên truyền về chuyển đổi số trong sử dụng DVCTT với “5 lợi ích” (Công khai, minh bạch thông tin; giảm giấy tờ, giảm công sức; tiết kiệm chi phí, thời gian đi lai; sử dụng dịch vụ trực tiếp mọi lúc, mọi nơi; tra cứu thông tin nhanh chóng, thuận tiện), và “2 giúp” (Giúp chính quyền gần dân hơn, giúp người dân hiểu chính quyền hơn).
Song song với đó, Huyện đoàn cũng kêu gọi, huy động các đoàn viên thanh niên có hiểu biết về công nghệ số, am hiểu công nghệ thông tin phát huy sức trẻ tham gia vào của Tổ công nghệ số cộng đồng.
Để triển khai công việc thuận lợi, Huyện đoàn đã có văn bản đề nghị UBND 21 xã, thị trấn tạo điều kiện, phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng. Theo đó, bằng hình thức tập huấn “cầm tay chỉ việc”, các cán bộ, công chức văn phòng UBND các xã thị trấn đã hướng dẫn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các kiến thức cơ bản như tạo tài khoản, đăng nhập và sử dụng các phần mềm phục vụ giải quyết TTHC. Từ đó, các thành viên của Tổ tỏa đi từng ngõ, từng nhà hướng dẫn kỹ năng sử dụng về các nền tảng số, công nghệ số cho người dân sinh sống trên địa bàn.
“Với tinh thần làm việc trách nhiệm, hiệu quả, mỗi thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng đang chứng tỏ vai trò của đoàn viên thanh niên trong tiên phong sử dụng và lan tỏa ứng dụng chuyển đổi số trong xã hội. Những phản hồi tích cực, những lời cảm ơn, nụ cười hài lòng của người dân khi tiếp nhận hỗ trợ chuyển đổi số chính là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục duy trì, phát triển mô hình này trong thời gian tới” – Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai Nguyễn Minh Nguyện chia sẻ.
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: “Sau khi tiếp thu chuyên đề tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức và nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp tài liệu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, UBND huyện đã bắt tay vào triển khai và giao cho Đoàn thanh niên huyện đảm nhận xây dựng các Tổ công nghệ số cộng đồng”.
UBND huyện cũng định hướng rõ nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng, đó là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương.
Việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy đối với người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong tiến trình chuyển đổi số bền vững huyện.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng
Xác định rõ chuyển đổi số bắt nguồn từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, trong năm 2022, Thanh Oai phấn đấu từng bước đưa hoạt động của người dân lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam. Mục tiêu trước mắt của huyện là thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số; giúp người dân tiếp cận môi trường số, tiên phong sử dụng công nghệ số, nền tảng số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
“Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng ngõ ngách của cuộc sống, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, các Tổ công nghệ số cộng đồng của Thanh Oai bước đầu cho thấy đã phát huy được vai trò nòng cốt, xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số. Điều đáng ghi nhận là hầu hết công dân đều đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao trách nhiệm của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng” - ông Bùi Văn Sáng cho hay.
Theo kết quả khảo sát của 21 xã, thị trấn, sau 10 ngày triển khai Tổ chuyển đổi số cộng đồng, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã quen dần với việc thực hiện DVCTT; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với hóa đơn điện, nước, mua sắm…; nắm bắt thị trường nông sản, đặc sản vùng miền qua sàn Postmart. Từ đó, tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm các thủ tục hành chính, giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức các đơn vị.