Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Oai gỡ khó cho doanh nghiệp

Bài, ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi trên tinh thần cởi mở để cùng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN là cách làm đang được các cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Oai triển khai nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề “nóng” trong phát triển kinh tế.

Hiện, toàn huyện Thanh Oai có khoảng 900 DN, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, không ít DN vẫn gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.
  Nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề điêu khắc Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai đang thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất
Tại cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội huyện Thanh Oai với DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn, bà Phạm Bích Ngọc - đại diện Công ty TNHH Kona chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm ở xã Bình Minh cho rằng: "Huyện Thanh Oai còn nhiều lao động thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định. Tuy nhiên, DN rất khó tuyển dụng, phải sử dụng lao động từ nhiều tỉnh, TP khác. Điều này buộc người lao động và DN phải lo chỗ ăn, chỗ ở, vừa vất vả, vừa thêm tốn kém".

Đề cập đến chính sách hỗ trợ DN, ông Lý Văn Bình - chủ DN sản xuất cơ khí ở xã Thanh Thùy phản ánh, khó khăn nhất đối với DN là vấn đề mặt bằng. Hiện DN phải liên kết với 4 hộ gia đình mới đủ mặt bằng sản xuất tại Cụm công nghiệp xã Thanh Thùy nhưng do lô đất đứng tên 4 hộ nên khó thế chấp để vay vốn ngân hàng. Ông Bình đề xuất huyện Thanh Oai sớm đẩy nhanh tiến độ mở rộng cụm công nghiệp, tạo điều kiện để các DN có thêm mặt bằng sản xuất.

Chia sẻ khó khăn với DN, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, nhiều lao động ở huyện đã ly nông, chuyển sang kinh doanh mà chưa quan tâm đến học nghề nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của DN. Nhằm giải quyết lực lượng lao động cho DN, huyện Thanh Oai có chủ trương khảo sát, đánh giá lại nguồn cung - cầu lao động và tổ chức các phiên giao dịch lao động - việc làm. Đồng thời, phối hợp với DN nắm bắt thông tin về tuyển dụng lao động để đưa vào kế hoạch đào tạo nghề của huyện cho sát thực hơn.

Giải đáp kiến nghị của một số DN về mặt bằng sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho hay, theo quy hoạch, trên địa bàn huyện có 10 cụm công nghiệp, đến nay một số cụm như Bích Hòa, Thanh Thùy đã lấp đầy; một số cụm như Bình Minh, Cao Viên đang triển khai. Ngoài ra, huyện Thanh Oai còn 200ha được quy hoạch chuyển sang phát triển công nghiệp, trong đó 162ha đang kêu gọi nhà đầu tư. Tháng 10/2017, huyện đã trình UBND TP Hà Nội cho mở rộng Cụm công nghiệp Thanh Thùy với diện tích 68ha. Nếu được chấp thuận, dự án sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DN.