70 năm giải phóng Thủ đô

Thanh Oai hướng tới xây dựng đô thị sinh thái

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu về đích sớm huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái, Thanh Oai đang tập trung triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị theo quy hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng. Ảnh: Phạm Hùng

Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng với Kinh tế & Đô thị.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với hạ tầng đô thị

Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã qua, Thanh Oai đã đạt được những thành tựu nổi bật nào, thưa ông?

- Đối với các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng đô thị xanh, sinh thái, hành lang xanh được bám sát theo các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, tháng 1/2023, TP đã thẩm định, chấm điểm, đánh giá đối với 5 xã đăng ký NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu và tất cả các xã đều đủ điều kiện.

Để hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao, năm 2023, huyện đã giao chỉ tiêu cho 6 xã về đích NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Huyện Thanh Oai phấn đấu năm 2024 đạt chuẩn NTM nâng cao, trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIII đề ra.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình số 06-CTr/HU ngày 24/3/2021 về “Phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn huyện Thanh Oai đồng bộ, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025”.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Thanh Oai được đầu tư kết nối đồng bộ. Ảnh: Bình Minh
Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Thanh Oai được đầu tư kết nối đồng bộ. Ảnh: Bình Minh

Hiện tại, huyện Thanh Oai đang thi công nhiều tuyến đường như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B đoạn qua địa bàn huyện Thanh Oai; đường Bình Minh - Mỹ Hưng; đường trục phát triển kinh tế huyện; nâng cấp cải tạo đường Tam Hưng - Thanh Văn - Thanh Thùy đi TL 427… Huyện đã định hướng quy hoạch 3 trung tâm thương mại tại thị trấn Kim Bài và các xã: Bình Minh, Thanh Thùy.

Ngày 3/8 vừa qua, huyện đã tổ chức khởi công Dự án CCN Thanh Thùy giai đoạn 2, CCN làng nghề Phương Trung và CCN Hồng Dương. 3 CCN có quy mô 28,6ha, với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành, 3 CCN thu hút hơn 120 - 170 DN, tạo việc làm cho 3.000 - 4.000 lao động, hàng năm đóng góp vào số thu cho ngân sách thường xuyên hàng trăm tỷ đồng.

Cụm công nghiệp làng nghề kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) nhìn từ trên cao. Ảnh: Bình Minh
Cụm công nghiệp làng nghề kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) nhìn từ trên cao. Ảnh: Bình Minh

Đây cũng là cơ hội để Thanh Oai đẩy mạnh thị trường lao động, đất đai nhà ở và các dịch vụ đi theo, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững cũng như bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Ông có thể cho biết kết quả cụ thể 2 khâu đột phá của Đảng bộ huyện Thanh Oai là cải cách hành chính (CCHC) và phát triển hạ tầng khung?

- Năm 2022 chỉ số CCHC của huyện đứng thứ 15/30 quận, huyện của TP, tăng 14 bậc so với năm 2019. Chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, DN) đứng thứ 6/30 quận, huyện, tăng 21 bậc so với năm 2019. Những con số này thể hiện sự quyết tâm trong CCHC của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người dân khi tham gia vào giải quyết các thủ tục hành chính. Qua đó giúp DN, nhà đầu tư tiếp cận đất đai dễ dàng hơn và đây là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động địa bàn huyện.

Đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc
Đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc

Về phát triển hạ tầng khung, đến nay 100% hệ thống đường giao thông liên xã và nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa. Thanh Oai đã và đang đầu tư xây dựng các trục giao thông chính, hạ tầng khung bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các đơn vị trong huyện và vùng phụ cận. Đặc biệt là tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa giới hành chính thuộc 6 xã trên địa bàn huyện, đến nay đã giải phóng mặt bằng đạt 84%.

 

Giai đoạn 2020 - 2022, tổng giá trị sản xuất bình quân của huyện Thanh Oai đạt 21.793 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân 12,37%/năm (đạt 95% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội). Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 61,21 triệu đồng/người/năm, bằng 81,6% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (chỉ tiêu Đại hội đến năm 2025 đạt 75 triệu đồng/người/năm).

Bên cạnh đó, huyện đã quy hoạch hàng nghìn hécta đất đô thị, công nghiêp và thương mại – dịch vụ. Đáng chú ý, trong quý I/2023 đã GPMB xong 3/5 CCN, 1 chợ đầu mối Nam Hà Nội để giao đất cho các chủ đầu tư khởi công, xây dựng. Đồng thời, huyện quyết liệt GPMB 2 CCN Thanh Văn - Tân Ước và CCN Kim Bài với quy mô diện tích gần 100ha. Dự kiến đến quý III/2023 sẽ xong và xin phép giao đất, tổ chức khởi công xây dựng.

Chú trọng thực hiện công tác quy hoạch

Ngày 7/2/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 790/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch như thế nào, thưa ông?

- Theo quy hoạch được TP phê duyệt, Thanh Oai được xây dựng, phát triển thành đô thị sinh thái, hành lang xanh của Thủ đô. Hiện tại, huyện đang triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định. Trong đó, việc rà soát quy hoạch sẽ bám sát vào các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao và các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Huyện sẽ xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hợp lý, có quy mô phù hợp và hình thành các trục đường giao thông kết nối trong và ngoài huyện, giữa thị trấn và các xã trong huyện; ưu tiên phát triển các trục giao thông kết nối giữa Quốc lộ 21B và đường trục phát triển phía Nam, đường trục phát triển của huyện.

Khách hàng tham quan, chọn mua nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) tại một hội chợ. Ảnh: Ánh Ngọc
Khách hàng tham quan, chọn mua nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) tại một hội chợ. Ảnh: Ánh Ngọc

Thanh Oai sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị tại thị trấn Kim Bài và trung tâm hành chính các xã, điểm dân cư mới, đô thị xanh, văn minh ở các xã có quy hoạch được duyệt với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo diện mạo mới theo hướng đô thị sinh thái văn minh.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 trên địa bàn thị trấn Kim Bài và một số khu đô thị như: Mỹ Hưng, Thanh Thùy (theo quy hoạch đô thị S4), Cao Viên - Thanh Cao. Ngoài ra, phát triển thêm từ 1 - 2 đô thị mới, đô thị sinh thái tại các xã phía Nam của huyện, dọc trục phát triển của TP, có quy mô từ 200 - 450ha.

Để hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, hành lang xanh của Thủ đô trong thời gian tới, huyện Thanh Oai tập trung vào những công việc gì, thưa ông?

- Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành trong việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai và quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện; dự kiến lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu còn lại của thị trấn Kim Bài và các đồ án quy hoạch liên quan. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Thanh Oai được đầu tư kết nối đồng bộ. Ảnh: Bình Minh
Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Thanh Oai được đầu tư kết nối đồng bộ. Ảnh: Bình Minh

Bên cạnh đó, huyện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về đầu tư xây dựng đối với các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao của năm 2023; tập trung triển khai các dự án đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ việc giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là công tác GPMB đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Song song đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; dành nguồn lực cho bảo tồn, phát huy các giá trị; xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Thực hiện Quyết định số 790/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, huyện Thanh Oai đã hoàn thành lựa chọn đơn vị có đủ năng lực thực hiện đồ án. Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/HU đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và đơn vị tư vấn cung cấp các hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác lập đồ án. UBND huyện phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành đồ án quy hoạch vùng huyện Thanh Oai theo chỉ đạo của UBND TP.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng