Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thành phố Nam Định quyết tâm lập lại trật tự đô thị và an toàn giao thông

Kinhtedothi - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Nam Định đang đối mặt với nhiều thách thức về trật tự an toàn giao thông do lưu lượng phương tiện tăng cao. Chính quyền thành phố đã triển khai loạt biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm

Từ ngày 1/9/2024, thành phố Nam Định chính thức mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sáp nhập, thành phố có diện tích hơn 120,9 km², dân số gần 364.200 người, gồm 21 đơn vị hành chính cấp xã, tiếp giáp các huyện Nam Trực, Vụ Bản và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình.

Trên địa bàn hiện có các tuyến quốc lộ (QL) trọng yếu như QL10, QL21, QL21B, QL38B; tuyến đường sắt Bắc - Nam; 19 bến thủy nội địa cùng 415 tuyến đường, phố đã được đặt tên. Lưu lượng phương tiện ngày càng tăng khiến một số tuyến đường xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ, ảnh hưởng tới công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

Ùn tắc cục bộ trên Quốc lộ 10, đoạn qua khu vực Đền Trần, thành phố Nam Định. Ảnh: Xuân Trường

Ban ATGT thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông trong cộng đồng. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, lễ 30/4 - 1/5, Quốc khánh 2/9, mùa tựu trường… nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông, hạn chế vi phạm, tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra, thông tin về tình hình trật tự ATGT và các khuyến cáo về an toàn cũng được truyền tải thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội và các kênh truyền thông địa phương.

Thành phố triển khai nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường bộ theo các quyết định của UBND tỉnh. UBND thành phố đã giao các phòng chức năng phối hợp với UBND phường, xã kiểm tra, vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

Ùn tắc giao thông tại nút giao Cao Bồ (huyện Ý Yên, Nam Định), giao cắt giữa QL10 với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Ảnh: người dân cung cấp

Các vi phạm như dựng lều quán, tập kết vật liệu xây dựng dưới gầm cầu, để cây cảnh trong hành lang giao thông tại các tuyến Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 đã được xử lý kiên quyết. Đặc biệt, tại các điểm nóng như phường Nam Phong, Lộc Hạ, Lộc Hòa, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với lực lượng quản lý đường bộ để giải tỏa, lập lại trật tự.

Cải thiện hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và đường thủy

Thành phố đã đầu tư, duy tu, bảo trì nhiều tuyến đường nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông. Trong năm 2024, hơn 500 m² mặt đường bị hư hỏng đã được vá lấp tại các tuyến, nút giao quan trọng như Hàng Cau - Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Trỗi, Mạc Thị Bưởi…

Song song, thành phố đã bổ sung gờ giảm tốc tại 78 vị trí; sơn vạch phân làn, vạch tim đường tại 12 tuyến phố và thay thế 139 biển báo giao thông bị hư hỏng. 39 biển báo cấm mới được lắp đặt tại các khu vực đường trục xã, phường có nguy cơ tai nạn cao như Nam Phong, Lộc Hòa, Trường Thi...

Thành phố cũng duy trì hoạt động của 33 cụm đèn tín hiệu giao thông, sửa chữa kịp thời các sự cố tại các nút như Lê Đức Thọ - đường S2, Quán Chuột - QL10... Hệ thống đèn chiếu sáng, mô đun đèn cũng được thay thế, vận hành thường xuyên.

Để đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông, gần 820 cây sâu bệnh, nguy hiểm được chặt hạ; hơn 1.200 vị trí bị cây xanh che khuất biển báo đã được phát quang.

UBND thành phố cũng đang phối hợp rà soát các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và các bất cập về tổ chức giao thông để có phương án xử lý. Trong năm, HĐND tỉnh đã thông qua hai nghị quyết đầu tư các công trình trọng điểm như trang trí cảnh quan tuyến đường Võ Nguyên Giáp, bổ sung hệ thống biển báo và sơn kẻ đường trên toàn địa bàn.

Bên cạnh giao thông đường bộ, công tác quản lý bến thủy nội địa cũng được chú trọng. Hiện thành phố có 19 bến thủy, trong đó chỉ 8 bến còn phép hoạt động. 11 bến hết hạn đang được đề xuất phương án xử lý phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế, đặc biệt tại các khu vực có cầu Song Hào, cầu Tân Phong bắc qua.

Một trong những kết quả tích cực của các biện pháp nêu trên là tình hình tai nạn giao thông trong năm 2024 có chuyển biến tích cực. Toàn thành phố ghi nhận giảm 15 vụ tai nạn, giảm 14 người bị thương. Số người tử vong giữ nguyên ở mức 28, tương đương năm trước.

UBND thành phố cũng tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND về xử lý lối đi tự mở qua đường sắt. Trong năm, 10 lối đi tự mở đã được đóng lại, góp phần ngăn ngừa tai nạn đường sắt, đặc biệt tại các xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc và phường Trường Thi.

Từ đầu năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục ra quân cao điểm lập lại trật tự đô thị, trật tự ATGT. Lực lượng chức năng được yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm nồng độ cồn, phương tiện không đủ điều kiện lưu thông.

UBND thành phố yêu cầu các phường, xã vận động người dân tự đóng các đường ngang qua đường sắt, bố trí lối đi chung an toàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phúc tra việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị liên quan, xử lý trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra tình trạng phức tạp kéo dài.

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp được kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo giảm tai nạn, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, từng bước xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị văn minh, an toàn và phát triển bền vững.

Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn nộp “phạt nguội”

Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn nộp “phạt nguội”

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn nộp “phạt nguội”

Cục Cảnh sát giao thông hướng dẫn nộp “phạt nguội”

22 Apr, 04:02 PM

Kinhtedothi - Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an khuyến cáo người dân khi đi xử lý vi phạm qua hình ảnh hay còn gọi là nộp “phạt nguội”, không cần đến địa phương vi phạm mà có thể giải quyết ngay tại nơi mình sinh sống.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ