Thanh toán điện tử “lên ngôi”

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TT KDTM), nhất là thanh toán điện tử, được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán trong khu vực và trên thế giới.

Ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động TT KDTM tại Việt Nam cho biết, giai đoạn năm 2010 - 2016, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% hiện nay. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010). Đến cuối tháng 10/2016, số thẻ phát hành đạt trên 110,8 triệu thẻ (tăng 11,36% so với thời điểm cuối năm 2015), số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) đã tăng gần 14% so với cuối năm 2015, đạt 254.000 POS.
Thay vì chỉ rút tiền qua ATM, cung cấp dịch vụ trả lương qua tài khoản, chuyển khoản như hiện nay, các ngân hàng đã tích hợp trên thẻ ATM các dịch vụ gia tăng như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, mua vé máy bay, bảo hiểm, kết hợp với nhiều đối tác để đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn… nhiều ngân hàng đã từng bước triển khai xây dựng và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán, đẩy mạnh các kênh giao dịch TT KDTM, qua đó tăng năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng...
Đơn cử, Sacombank phối hợp với Công ty MPOS Việt Nam ra mắt dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ trên thiết bị di động mPoS.vn, máy tính bảng… mọi nơi – mọi lúc với nhiều tính năng tiện ích và thủ tục đăng ký đơn giản. Tại VP Bank, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của VPBank có thể thanh toán hóa đơn cho hàng loạt các dịch vụ, đồng thời vẫn được tham gia vào các chương trình ưu đãi hấp dẫn theo tuần, tháng và cuối chương trình.
Y tế là một trong những lĩnh vực ghi nhận những thành công của dịch vụ TT KDTM của VietinBank. Tính đến nay, VietinBank đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán thông minh tại một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Từ Dũ, Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh… Trong lĩnh vực giáo dục, VietinBank cũng là ngân hàng tích cực triển khai dịch vụ TT KDTM nhằm mang lại tiện ích tối ưu cho học sinh, sinh viên và nhà trường. VietinBank đã triển khai thành công thanh toán học phí online cho nhiều trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc…
Bảo đảm an toàn chất lượng
Theo số liệu của ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hình thức trả tiền điện qua ngân hàng được triển khai từ 2012. Đến hết quý III/2016, đã có 9 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện cho trên 3,7 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 15,51% tổng số hóa đơn. Để mở rộng dịch vụ này, ngân hàng mở rộng phương thức như thanh toán qua máy ATM; ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi; trích nợ tự động từ tài khoản thanh toán; Internet/SMS Banking, thu tại quầy ngân hàng... Hoạt động  TT KDTM đã phục vụ và đáp ứng được việc thu ngân sách Nhà nước của Kho bạc Nhà nước. Quy trình thu, nộp thuế từ cơ quan thuế và hải quan tới Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính qua kết nối với các ngân hàng thương mại đã được hình thành.

Dịch vụ thanh toán trực tuyến ngày càng thu hút người tiêu dùng.            Ảnh: Phạm Hùng

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, 2017 là năm bản lề thực hiện các đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và đẩy mạnh TT KDTM. Song song với đó, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong giao dịch thẻ được đặt lên hàng đầu trong quá trình nghiên cứu, phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ. Để đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, đến năm 2020, toàn bộ thẻ nội địa trên toàn thị trường sẽ mang thương hiệu NAPAS được chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Thương hiệu thẻ thanh toán quốc gia NAPAS ra đời được hứa hẹn sẽ giúp khách hàng Việt Nam sử dụng thẻ ATM của mình tại các nước khác. Trong khi hiện nay chỉ có thẻ tín dụng quốc tế của người dùng Việt Nam mới có thể thanh toán tại nước ngoài. Trong cả năm 2016, hệ thống NAPAS ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị giao dịch đạt 320.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2015. "Đặc biệt sau khi hợp nhất dịch vụ chuyển tiền điện tử, với mạng lưới 39 ngân hàng triển khai trên tất cả các kênh giao dịch ATM, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, doanh số dịch vụ chuyển tiền điện tử 24/7 qua hệ thống chuyển mạch quốc gia NAPAS đã đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2015" - bà Nguyễn Tú Anh - Tổng Giám đốc NAPAS cho hay.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới mức 10%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng tối thiểu đạt 70%. Mục tiêu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần