Trước một số bất cập còn tồn tại, hoạt động trên đã và đang được điều chỉnh theo chiều hướng hợp lý hơn.
Bước tiến trong thanh toán lệ phí
Vài năm trước, hầu hết các trường học trên cả nước đều sử dụng hình thức thu phí thủ công. Theo đó, nhà trường sẽ có thông báo gửi giáo viên chủ nhiệm từng lớp về lịch, địa điểm thu phí (học phí và các phụ phí) theo tháng để thông tin cho phụ huynh; trên cơ sở đó, phụ huynh sẽ mang tiền mặt đến trường để hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà trường.
Những ngày trường thu phí, sau mỗi giờ tan học, cổng trường sẽ ken chật xe của phụ huynh. Đông đảo phụ huynh ngược xuôi tìm cô phụ trách thu tiền của lớp mình và cảnh cha mẹ tranh giành nhau xem tờ danh sách, lần giở số tiền con mình phải nộp còn nhân viên tìm tiền trả lại… gây nên sự căng thẳng, lộn xộn, kém văn minh…
Để tạo thuận lợi cho phụ huynh, các trường học đã có cách thức thu phí phù hợp hơn là qua chuyển khoản. Với cách thức này, phụ huynh sẽ chuyển khoản qua ngân hàng đến tài khoản nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm/thủ quỹ; sau đó thủ quỹ thực hiện tổng hợp và gạch nợ thủ công. Đây được gọi là thu phí bán tự động.
Nhìn rõ nhược điểm của hai cách thức thu phí trên đối với cả phụ huynh và nhà trường như: mất thời gian, tốn nguồn lực thu tiền, dễ sai sót, rủi ro thất thoát…, cách thức thu phí tự động hóa toàn bộ quy trình đã được đưa ra. Hình thức thu phí này được cho là mang đến lợi ích cho các bên. Tuy nhiên, qua thực tế trải nghiệm, nhiều phụ huynh cho rằng phương thức này mới chỉ mang lại lợi ích cho nhà trường; còn với phụ huynh thì chưa lợi bởi quy trình thực hiện còn rườm rà, khó thao tác; có trường hợp phụ huynh phải mất phí sau mỗi lần giao dịch. Không những vậy, phương thức này còn dẫn đến việc độc quyền hoặc chỉ định đơn vị trung gian thanh toán…
Đầu năm học 2023 – 2024, lớp của con chị Nguyễn Thị Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) gửi thông báo về việc thực hiện thu phí theo cách thức mới. Thay vì chuyển khoản vào tài khoản của nhà trường như trước, nay nhà trường yêu cầu phụ huynh thanh toán qua ứng dụng Enetviet. Nhiều phụ huynh cho biết, đã “phát cáu” khi thực hiện các thao tác chuyển phí vì không được ai hướng dẫn.
“Tôi không phải là người mù công nghệ nhưng quả thật, chưa được hướng dẫn nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thanh toán qua thẻ ATM không được, thẻ tín dụng không xong, thử Viettelpay 5 - 7 lần cũng bị từ chối. Cuối cùng, tôi tìm hiểu và biết rằng, phụ huynh phải tải app về mới có thể tiến hành chuyển khoản thanh toán được; nghĩa là việc thanh toán này phải qua bên thứ 3 và bực mình hơn là mỗi lần chuyển khoản lại mất phí”.
Chị Dương Quỳnh Mai, một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết đầu năm học, trường con chị thông báo không nhận thanh toán chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của nhà trường. Thay vào đó, trường thực hiện thu các khoản thông qua kênh thanh toán học phí JETPAY. “Thay vì đơn giản hóa việc thanh toán cho phụ huynh, kênh thanh toán học phí yêu cầu phụ huynh cài đặt phần mềm, sau đó thực hiện thanh toán thông qua một trong các hình thức theo hướng dẫn rất rắc rối loằng ngoằng… Điều đáng nói, khi thanh toán qua kênh thanh toán này, phụ huynh phải mất phí vài nghìn đồng cho mỗi lần giao dịch” - chị Mai chia sẻ.
Còn những băn khoăn
Trước phản ánh của nhiều phụ huynh về hiện tượng một số đơn vị trung gian thu phí quá cao hoặc các nhà trường hạn chế cách thức thanh toán, ngày 25/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các trường phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không thu phí hoặc có mức phí thấp nhất để giới thiệu đến phụ huynh; từ đó phụ huynh sẽ chọn lựa một loại hình dịch vụ phù hợp để đóng học phí không dùng tiền mặt.
Điều chỉnh này nhằm bảo đảm pháp lý đúng quy định, đồng thời có sự thay đổi trong phương thức thanh toán chuyển từ thẻ sang ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, thông qua các dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng như: thanh toán qua thiết bị di động, qua internet, ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn… cho phép người dùng có thể truy cập các ứng dụng trên internet, mobile để thực hiện thanh toán; dữ liệu thông tin thanh toán như: số tiền, mã số học sinh, sinh viên… được ghi nhận một cách chính xác, rõ ràng và hệ thống.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu cơ sở giáo dục thực hiện kết nối với các hệ thống thanh toán được cấp phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hệ thống thanh toán của cơ sở giáo dục phải bảo đảm tuân thủ các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về trao đổi dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cùng với đó, các trường phải đa dạng hóa các kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán nào. Nhà trường phải tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác.
Tiếp nối câu chuyện ở trên, phụ huynh Nguyễn Thị Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ tin vui: “Rất may, cách thức thanh toán qua bên thứ 3 đầy phiền toái chỉ diễn ra trong 2 tháng. Đến tháng thứ 3, tôi được cô giáo gửi cho một mã QR, chỉ cần quét là ra toàn bộ thông tin, số tiền cần phải đóng của con. Với một thao tác đơn giản, tôi đã chuyển khoản thanh toán thành công và không hề mất phí. Cách thu phí này làm tôi thấy thoải mái, tiện lợi và thật sự hài lòng”.
Theo nhà giáo Nguyễn Tài Luận - Hiệu trưởng Trường THCS Tiên Phong (huyện Ba Vì), sau khi nghe tuyên truyền về việc sẽ có sự thay đổi trong phương thức thu phí, đa số phụ huynh còn băn khoăn về việc có mất phí chuyển khoản hoặc phí duy trì tài khoản không? Có được sử dụng tài khoản ngân hàng đang dùng hay bắt buộc phải làm thêm tài khoản khác?
“Dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng phụ huynh của Trường THCS Tiên Phong cũng hiểu được những thuận lợi của việc thu phí không dùng tiền mặt, đó là họ không phải lên tận trường để đóng tiền và sẽ biết rõ từng khoản phải nộp. Nếu phương thức thu phí này thực sự đơn giản, linh hoạt, dễ thực hiện và có lợi thì người dân chắc chắn sẽ ủng hộ; ngược lại, nếu quy trình thực hiện rườm rà, phức tạp, mất phí trung gian… thì thật sự khó khả thi, nhất là ở các vùng nông thôn…” - Hiệu trưởng Trường THCS Tiên Phong nêu quan điểm.
Được biết, tại Hà Nội, đầu tháng 11/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đăng ký thực hiện mô hình chuyển đổi số, quản lý khoản thu không dùng tiền mặt ngành GD&ĐT Hà Nội năm học 2023 - 2024. Là một trong 5 đơn vị thí điểm mô hình trên, ngành Giáo dục huyện Ba Vì đã triển khai nội dung thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý; đồng thời tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị ngân hàng hướng dẫn phụ huynh cách đăng ký.
“Phòng GD&ĐT cùng các nhà trường đang tiếp tục đôn đốc đến phụ huynh và tới đây sẽ tổng hợp số lượng để xem tỷ lệ thanh toán theo phương thức này tại các trường là bao nhiêu phần trăm. Phòng cũng sẽ tìm hiểu, xin ý kiến phụ huynh xem có bất cập gì trong quá trình thanh toán để đề xuất giải pháp lên cấp trên” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết.
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 90 – 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Thực hiện Quyết định trên, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 2741/BGDĐT-KHTC ngày 29/6/2022 gửi Sở GD&ĐT địa phương, các đơn vị trực thuộc về việc hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt. Văn bản yêu cầu các trường phối hợp với tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến.
Với giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Quan trọng các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý để quy định bắt buộc việc này…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn