Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và Xu hướng thanh toán tương lai" tổ chức sáng nay 26/9. Hội thảo do Báo Tiền Phong phối hợp với Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức
Thanh toán không tiền mặt trở thành xu hướng
Theo Vụ Thanh toán NHNN, trong 7 tháng năm 2023 giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng hơn 51% về số lượng. Số lượng thẻ lưu hành tính đến tháng cuối tháng 7/2023 đạt hơn 140 triệu thẻ; gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động và 10,8 triệu thẻ đang lưu hành, phát hành bằng eKYC.
Hiện có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính đang đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Đến cuối tháng 8/2023, có hơn 800.000 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022....
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code)... song song với phương thức truyền thống, các ngân hàng cũng tích cực triển khai phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC).
Vụ trưởng Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, dịch vụ mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC đang được các ngân hàng triển khai rầm rộ, giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thời gian mở thẻ chỉ mất hơn 1 phút.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) Nguyễn Quang Hưng chia sẻ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2023, mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn. Cụ thể, tính đến cuối quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với hết quý II/2022.
Ông Hưng cho biết thêm, các ngân hàng đang triển khai dịch vụ "Tap to phone" (soft POS) để mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, đặc biệt hướng đến việc hỗ trợ các cửa hàng quy mô nhỏ không đủ điều kiện lắp đặt máy POS truyền thống. Dịch vụ này phù hợp cho các cửa hàng có doanh số thanh toán thẻ không cao và không đáp ứng được yêu cầu lắp đặt máy POS truyền thống của các ngân hàng (từ 50-60 triệu đồng/tháng).
“Với những động thái mạnh mẽ trên, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”- Chủ tịch Napas Nguyễn Quang Hưng kỳ vọng.
Đảm bảo an toàn, tiện lợi
Hoạt động thanh toán đã có sự thay đổi rõ nét trong thời gian qua. Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã “len lỏi” vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, và trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển khi các ngân hàng nắm bắt xu hướng, mở rộng các dịch vụ, còn người dân thì đã thích ứng với các phương thức thanh toán online mới. Dù vậy theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, khi công nghệ càng phát triển, yêu cầu đặt ra với hình thức thanh toán này phải đảm bảo "an toàn, minh bạch và tiện lợi".
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, ngoài quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 thông tư về thanh toán và tín dụng.
Trong đó, có thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường); cùng đó, từ ngày 1/9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.
Chủ tịch HĐQT Napas Nguyễn Quang Hưng cho biết, để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng, Napas đã chuẩn hoá hệ thống công nghệ. Hệ thống máy móc, thiết bị cũng đảm bảo thanh toán thông suốt 24/7 trong bất cứ thời gian nào, kể cả ngày nghỉ lễ tết kéo dài.
Các ngân hàng thành viên cũng đã đồng nhất về mặt công nghệ trong thanh toán để đảm bảo an ninh, an toàn, hệ thống đường truyền.
Vụ trưởng Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới. Theo đó, các văn bản hướng dẫn mở tài khoản, phát hành thẻ, bảo lãnh ngân hàng, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng bằng phương thức điện tử; các quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật về mã thanh toán phản hồi nhanh (QR code), thẻ chíp nội địa đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi các ngân hàng triển khai thực hiện.
Hạ tầng thanh toán dùng chung như Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia... thường xuyên được NHNN và các đơn vị liên quan đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ…