Những xu hướng thanh toán trong tương lai
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2, sáng 13/4, Báo Tiền Phong và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức toạ đàm với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”.
Ngày Thẻ Việt Nam năm nay là chuỗi các sự kiện, hoạt động truyền thông phù hợp và hưởng ứng tích cực chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của Chính phủ và NHNN, theo Đề án phát triển TTKDTM (theo Quyết định 1813/QĐ-TTg). Thông qua đó, sẽ tạo cầu nối, khơi nguồn cảm hứng giúp giới trẻ Việt Nam có phong cách sống năng động, hiện đại, am hiểu công nghệ, có nhu cầu cá nhân hóa cao, có cơ hội nắm bắt, khám phá, trải nghiệm những công nghệ thanh toán hiện đại, các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích gắn với thẻ ngân hàng nói riêng và thanh toán số nói chung.
Phó Vụ trưởng vụ Thanh toán NHNN Lê Văn Tuyên cho biết, Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới một số mục tiêu chủ yếu sau: Thứ nhất, tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng TTKDTM ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Thứ hai, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.
Thứ tư, phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…
Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: Thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking.
Giảm phí, đầu tư hạ tầng số, đảm bảo an toàn bảo mật
Nói về các giải pháp khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong hoạt động TTKDTM, ông Lê Thanh Hà - đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng phát biểu, để khuyến khích khách hàng tham gia TTKDTM vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất.
Bên cạnh đó, để phát triển thị trường thanh toán lành mạnh thì công tác phòng rủi ro, an toàn, bảo mật được đặt lên hàng đầu. Các ngân hàng bám sát những tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu, tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế tại thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi khuyến nghị, sau đại dịch có nhiều khách du lịch vào Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài. Có sự giao thoa nên xuất hiện thẻ giả, sao chép rút tiền tại ATM. Khi triển khai nhiều thẻ thanh toán, các ngân hàng triển khai chế độ bảo mật cho phép chủ thể cùng ngân hàng kiểm soát giao dịch chủ động như đóng mở thẻ, dịch vụ, hạn mức thanh toán” - ông Lê Thanh Hà bày tỏ..
Bà Phan Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho biết, hiện giờ thanh toán qua thẻ, khách hàng của Agribank không phải trả bất cứ phí gì. Thời gian qua, giao dịch bằng thẻ và trên điện thoại miễn phí hoàn toàn. Từ 17/5/2021 miễn chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng. Dịch vụ thẻ khuyến khích khách hàng chi tiêu, khách hàng không phải trả phí gì thậm chí chi tiêu bằng thẻ sẽ hoàn tiền, thêm giá trị gia tăng cho khách hàng. Đại diện Agribank đề nghị nghị Napas phối hợp các dịch vụ công, nếu dùng thẻ chip có tiện ích khách hàng sẽ hào hứng hơn như bệnh viện, xe điện trên cao…
Bà Phạm Thị Mai Anh - Giám đốc Trung tâm sản phẩm, Khối Ngân hàng số (Ngân hàng TMCP Quân đội) đề nghị cho phép thanh toán không qua xác thực với thanh toán nhỏ, phương tiện công cộng. “Với giới trẻ, ứng dụng phát hành thẻ ảo được hướng tới đối tượng này. Với mô hình phát hành thẻ ảo đã tiết iệm chi phí, thanh toán lớn. Chúng tôi đề xuất Napas miễn giảm tiếp cùng ngân hàng để ngân hàng tiếp tục đẩy thanh toán này. Ngân hàng ra hạn mức nhỏ, xác thực qua Napas, với đơn vị chấp nhận thanh toán, các văn bản hướng dẫn cho phép thanh toán không qua xác thực với thanh toán nhỏ với phương tiện công cộng” - bà Mai Anh nói.
Phó Tổng Giám đốc Napas Nguyễn Quang Minh cho hay, trong năm 2021 Napas đã miễn 1.200 tỷ đồng phí cho các ngân hàng, bên cạnh đó miễn giảm phí cho tất cả các giao dịch dưới 500.000 đồng. Hiện nay trên 90% các ngân hàng đã cam kết miễn phí giao dịch cho khách hàng. Thời gian qua, Napas cũng chú trọng phát triển thẻ chip đa ứng dụng, tức là trên 1 con chip vừa có thể chạy ứng dụng của ngân hàng vừa chạy ứng dụng của các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, bảo hiểm.
Vừa qua Napas phối hợp Vinbus cho ra mắt hệ thống thẻ vé thông minh trên xe buýt điện của Vinbus. Như vậy, chủ thẻ có thể sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán thay cho vé thé buýt theo công nghệ truyền thống trước đây. Về hệ sinh thái thẻ chip, Napas tiếp tục đa dạng hóa và củng cố ứng dụng để góp phần đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân.
Một phần rất quan trọng là mạng lưới chấp nhận thanh toán. Từ trước đến nay, mạng lưới chấp nhận thanh toán mặc dù cũng có tăng trưởng, nhưng so với tiềm năng nhu cầu của thị trường hơn 100 triệu dân thì hạ tầng thanh toán cũng đáp ứng chưa thực sự đáp ứng tốt. Do đó, trong thời gian gần đây, Napas cũng có kế hoạch phối hợp ngân hàng, trung gian thanh toán phát triển củng cố hạ tầng chấp nhận thanh toán.
Đơn cử như phương thức thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR code), hiện nay, mã QR code có sự phân mạch về hạ tầng chấp nhận thanh toán. Tức là mã QR code của trung gian thanh toán nào, ngân hàng nào chỉ chấp nhận duy nhất khách hàng ở đơn vị đó. Với vai trò đơn vị chuyển mạch quốc gia, Napas sẽ thực hiện kết nối liên thông mạng lưới chấp nhận thanh toán QR code của tất cả đơn vị, để khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán này có thể thanh toán ở bất kỳ điểm chấp nhận thanh toán do bất kỳ đơn vị nào phát triển.
Hiện nay mặc dù NHNN ban hành tiêu chuẩn về mã phản hồi nhanh QR code, tuy nhiên sự đồng bộ tiêu chuẩn về QR code trên thị trường chưa thực sự tốt. Hiện nay, Napas đã cho ra đời mã QR tuân thủ tiêu chuẩn này với ứng dụng mang tên VietQR, được Napas sử dụng đầu tiên để thực hiện liên thông thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam - Thái Lan theo chỉ đạo của ngân hàng trung ương hai nước. Trong thời gian qua, Napas tiếp tục phối hợp đối tác triển khai dịch vụ thanh toán chuyển tiền qua mã VietQR. Khách hàng sử dụng mã VietQR có thể chuyển tiền rất thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Bên cạnh hạ tầng sản phẩm, về mặt công nghệ, Napas đã đầu tư hạ tầng số hóa đáp ứng sản phẩm thế hệ công nghệ 4.0. Gần đây nhất, Napas phối hợp các ngân hàng triển khai công nghệ thanh toán Tap on phone, biến smart phone trở thành thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Napas hy vọng với sự đa dạng hóa, tiện ích như vậy có thể hỗ trợ các ngân hàng thành viên phát triển mạng lưới thanh toán thẻ cũng như QR code, với mục tiêu làm sao tất cả người dân khi đã có tiền trong tài khoản thanh toán, ví điện tử có thể thực hiện thanh toán dễ dàng mọi lúc mọi nơi.
Trả lời về một số kiến nghị của ngân hàng Agribank, Phó Tổng Giám đốc Napas nói: "Ứng dụng thanh toán trên Vinbus là 1 trong những ứng dụng chúng tôi đang triển khai. Napas sẵn sàng đa dạng các đơn vị vận tải chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng để tiết kiệm đầu tư xã hội về chi phí thẻ tham gia giao thông và liên thông thẻ vé các tuyến. Hiện nay, mỗi dự án, thoả thuận vay các tuyến giao thông công cộng là công nghệ khác nhau. Nếu không giải quyết vấn đề này thì cư dân một đô thị tương lai sẽ có 5- 7 thẻ khác nhau. Chúng tôi hướng đến áp dụng sử dụng 1 thẻ ngân hàng các tuyến giao thông công cộng. Sẽ triển khai thí điểm một số dự án và báo cáo NHNN để báo cáo liên bộ trong thời gian tới''.