Tính đến 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng).
Như vậy, trong năm 2020, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Trong 6 tháng 2021, toàn ngành đạt 45,11% số thu so với kế hoạch Chính phủ giao. Tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 21.194 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 5% so với số phải thu.
Trong thời gian qua, ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, như đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng; công khai danh sách các DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên nắm thông tin hoạt động của DN để có biện pháp, giải pháp kịp thời đối với các DN mới phát sinh nợ BHXH, BHTN không để nợ kéo dài, hoặc nợ với số tiền lớn. Mặt khác, tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, cương quyết xử phạt hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH. Chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự... Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã triển khai công cụ tra cứu quá trình đóng BHXH trên mạng, từ đó người lao động có thể tự tra cứu biết được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH của mình.Tuy vậy, việc xử lý đối với đơn vị, DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng... Trong báo cáo gửi Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2020 tổng nợ là 11.666 tỷ đồng, trong đó có 1.767 tỷ đồng nợ của các DN đã giải thể, phá sản khó thu hồi. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến các DN gặp nhiều khó khăn, cũng như tác động nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập và thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ. Song, bên cạnh yếu tố khách quan thì cũng còn tình trạng một số ít DN chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, có biểu hiện trốn đóng, chây ỳ, chấp nhận mức xử phạt hành chính hoặc bị tính lãi chậm nộp để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN bổ sung vốn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cũng như xuất hiện ngày càng nhiều DN chưa thực hiện nghiêm việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT hàng tháng theo quy định của pháp luật, mặc dù hàng tháng ngành BHXH đều gửi thông báo nhưng vẫn không phối hợp đối chiếu quỹ lương, không thanh toán số tiền nợ BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng chế độ BHXH, BHYT của NLĐ.Tình hình nợ đọng bảo hiểm trong DN đã ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động. Trong năm 2022, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chiến dịch thanh tra lĩnh vực BHXH trên phạm vi toàn quốc. Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, con số nợ BHXH bắt buộc 11.660 tỷ đồng là đáng báo động. Ông đề nghị Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH, loại nào do chây ỳ, do dịch Covid-19 (trước, sau dịch), loại nào nợ phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp. Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá thêm công tác phối hợp giữa ngành BHXH và các cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò của Liên đoàn lao động tại các địa phương, nhất là công đoàn cơ sở. Cơ quan Tòa án Nhân dân, Công an cần có giải pháp triển khai tích cực quy định về xử lý hình sự tội trốn đóng; pháp luật BHXH cần sửa đổi, bổ sung các quy định về nợ nêu trên.