Riêng cơ quan Thanh tra TP đã triển khai thực hiện 30 cuộc thanh tra, đã kết luận 19 cuộc, đang tiếp tục thực hiện 11 cuộc; qua thanh tra đã phát hiện vi phạm và kiến nghị thu hồi 3,07 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều đoàn thanh tra có nội dung phức tạp, quy mô lớn, được dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra rộng việc sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn TP; thanh tra toàn diện công tác tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung tại Trung tâm mua sắm tài sản công thuộc Sở Tài chính; thanh tra việc thực hiện công tác VSMT do Công ty Minh Quân thực hiện…
Về giải quyết khiếu nại, năm 2021, toàn TP đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.019 vụ, đã giải quyết 1.694 vụ, đạt tỷ lệ 83,9%. Về giải quyết tố cáo, toàn TP đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 1.498 vụ; đã giải quyết 1.231 vụ, đạt tỷ lệ 82,2%; số vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Đối với công tác phòng chống tham nhũng, trong năm qua, qua công tác thanh tra và giải quyết KNTC, ngành thanh tra TP đã phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 6 vụ…
Cần nâng chất lượng thanh tra
Đánh giá cao những cố gắng của ngành thanh tra TP Hà Nội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, những kết quả mà ngành thanh tra Hà Nội đạt được trong năm qua rất nổi bật, trong đó có thể kể đến trên 300 cuộc thanh tra hành chính, trên 800 cuộc thanh tra đột xuất, chất lượng thanh tra tốt; đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ KNTC; công tác phòng chống tham nhũng đã đạt những kết quả tích cực…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành thanh tra Hà Nội cũng còn một số hạn chế. Đó là: Chất lượng các cuộc thanh tra chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng thanh tra của cấp quận, huyện còn thấp; tỷ lệ thu hồi tài sản thấp. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vụ việc KNTC chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng nói là, có những vụ việc đã được kết luận nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Chất lượng cán bộ thanh tra chưa đồng đều, đặc biệt là cấp quận, huyện, thị xã…
Đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ của ngành thanh tra TP Hà Nội trong năm 2022, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ trong năm tới, Thanh tra Hà Nội cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, phải cụ thể hóa các nội dung trên tất cả các mặt công tác để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Hà Nội cần tập trung thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết những vụ KNTC cáo kéo dài.
Thanh tra Hà Nội cũng cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ giải quyết sớm các vụ KNTC đã báo cáo Thủ tướng, trong đó có những vụ đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo quyền lợi của người dân. Tập trung quan tâm thanh tra các lĩnh vực có nhiều đơn thư, được dư luận quan tâm như đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường; không nên thanh tra đột xuất quá nhiều, nên đưa vào kế hoạch để tránh bị động cho các đơn vị, địa phương…
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng thanh tra, rút ngắn thời gian các cuộc thanh tra; đôn đốc xử lý sau thanh tra. Thứ ba, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần được quan tâm thường xuyên, đặc biệt là công tác quản lý kê khai tài sản, thu nhập. Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Một nhiệm vụ nữa là xây dựng lực lượng, quan tâm đào tạo bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên để làm sao có một đội ngũ cán bộ thanh tra có trình độ, bản lĩnh, đáp ứng nhu cầu công việc.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Thanh tra TP Hà Nội tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và triển khai vào công việc của ngành trong năm tới.