Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh tra ít nhất 5% số tàu lên bến với sản phẩm cá tầng đáy

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Siết chặt thanh, kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản đánh bắt, nhất là thủy sản tầng đáy để đảm bảo yêu cầu của thị trường EU.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Bộ thường xuyên nhận được các phản hồi từ cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu đối với thủy sản đánh bắt của Việt Nam liên quan đến sai sót về chứng nhận và xác nhận không đúng thẩm quyền quy định, ghi khối lượng không đúng hướng dẫn. Ngoài ra, sử dụng biểu mẫu sản phẩm sai hay chưa kiểm tra thông tin trước khi xác nhận và chứng nhận…
Thêm vào đó, hồi tháng 5/2017, Ủy ban châu Âu có tổ chức đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá các vấn đề liên quan đến việc thực hiện những quy định nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tiến tới loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing). Đoàn đã ghi nhận một số hạn chế và kiến nghị Việt Nam cần cải tiến hệ thống quản lý nghề cá cũng như công tác chứng nhận, xác nhận thủy sản thủy sản đánh bắt.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện các quy định về quản lý nghề cá, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng, bến cá. Cụ thể, thực hiện thanh tra ít nhất 5% số tàu cá lên bến đối với sản phẩm thủy sản đánh bắt tầng đáy và cua, ghẹ, 20% đối với sản phẩm cá ngừ theo kiến nghị của EU. Trước khi chứng nhận, xác nhận thủy sản đánh bắt, Chi cục Thủy sản các tỉnh, TP cần kiểm tra kỹ các thông tin đã được khai báo như về khối lượng, tên mã loài thủy sản, hồ sơ liên quan đến lô hàng… Đặc biệt, trước khi xác nhận, chứng nhận phải kiểm tra tàu cá cung cấp nguyên liệu cho lô hàng đã nộp hồ sơ nhật ký khai thác theo quy định hay chưa.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các chủ tàu cá thực hiện nghiêm Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 1329-CĐ/TTg ngày 30/8/2012 và Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng một số văn bản khác nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.