Bằng nhiều nỗ lực phấn đấu, đến nay bộ mặt huyện Thanh Trì đã có nhiều thay đổi rõ nét. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường xung quanh vấn đề này.
Là một trong 5 huyện nằm trong đề án xây dựng huyện thành quận của TP, thời gian qua, Thanh Trì đã có những bước đi như thế nào để thực hiện các tiêu chí lên quận? Đến nay, huyện đã đạt được bao nhiêu tiêu chí?
- Được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND TP và các Sở, ban, ngành, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp với tinh thần quyết tâm phấn đấu phát triển huyện thành quận trong thời gian sớm nhất.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 và là một trong những mục tiêu được BCH Đảng bộ huyện đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị ở địa phương.
Trong năm 2021, chúng tôi đã xây dựng, ban hành 5 kế hoạch tổng thể để thực hiện Đề án gồm: Kế hoạch thực hiện tiêu chí cân đối thu, chi ngân sách huyện giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch huy động nguồn lực giai đoạn 2021 - 2025 cho đầu tư xây dựng huyện phát triển thành quận; Kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thiện tiêu chí đất cây xanh công cộng giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn thiện tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị; Kế hoạch thực hiện các tiêu chí chưa đạt để xã phát triển thành phường.
Đồng thời, huyện đã chỉ đạo 16 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể theo tiêu chí của từng xã, thị trấn để triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tiến độ thời gian đề ra. Kết quả tính đến thời điểm này, qua rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, huyện Thanh Trì tiếp tục giữ vững 24/27 tiêu chí đã đạt, chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu, chi ngân sách; mật độ đường giao thông đô thị; đất cây xanh công cộng trên địa bàn. Tuy nhiên, 3 tiêu chí này cũng đang có sự chuyển biến tích cực.
Đối với những tiêu chí chưa đạt, Thanh Trì có giải pháp thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Hiện tại, 3 tiêu chí chưa đạt đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, tiêu chí cân đối thu, chi ngân sách năm vừa qua đạt 52,3% theo dự toán TP giao (tăng 3,2% so với năm 2019); tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị tăng thêm 0,17km/km2 (đạt 9,3km/km2, còn thiếu khoảng 0,7km/km² so với tiêu chuẩn quận); tiêu chí đất cây xanh công cộng trên địa bàn tăng thêm 1m2/người (đạt 4,5m2/người, còn thiếu 1,5m²/người so với tiêu chuẩn quận).
Để hoàn thành 3 tiêu chí này, trong thời gian tới, bằng nhiều giải pháp xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư vào huyện, dự kiến năm 2022, tỷ lệ tự cân đối thu chi ngân sách huyện đạt khoảng 63,6%. Năm 2023, dự kiến tỷ lệ cân đối thu, chi đạt khoảng 77,5%. Năm 2024, dự kiến tỷ lệ cân đối thu, chi đạt khoảng 98,7%. Năm 2025, dự kiến tỷ lệ cân đối thu, chi đạt khoảng 109,1%, đáp ứng tiêu chí lên quận.
Đối với tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, sau khi rà soát quy hoạch và căn cứ phân cấp đầu tư, quản lý sau đầu tư theo quy định của TP, huyện đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông, trong đó có 28 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của huyện; 18 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của TP.
Có thể kể tới một số dự án trọng điểm do TP đầu tư như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường 70 đoạn từ Hà Đông đến thị trấn Văn Điển; Dự án đường nối đường Phan Trọng Tuệ với đường liên xã Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh; Dự án Xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án cầu qua sông Nhuệ nối đường Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai với khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5…
Như vậy, sau khi thực hiện đầu tư đủ 46 dự án, dự kiến đến hết năm 2025, số km đường giao thông đô thị trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm khoảng 51,55km/50,03km đường giao thông đô thị phải đầu tư theo Đề án. Huyện hoàn thành tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị theo tiêu chuẩn quận.
Đối với tiêu chí đất cây xanh công cộng, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay với việc tập trung đầu tư 18 dự án hạ tầng cây xanh công cộng, 21 dự án kè ao hồ, 13 dự án trung tâm văn hóa kết hợp cây xanh công cộng, 12 dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá và khu tái định cư trên địa bàn.
Phát triển lên quận đồng nghĩa với việc phải có một nguồn lực lớn. Thanh Trì làm thế nào để có nguồn lực đáp ứng được yêu cầu đó, thưa ông?
- Đúng là như vậy, việc xây dựng huyện trở thành đơn vị hành chính quận là một quá trình lâu dài và cần một nguồn lực rất lớn, bởi có rất nhiều tiêu chí cần hoàn thiện. Thực tế thời gian qua, cùng với sự quan tâm và nguồn vốn của TP, huyện Thanh Trì đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí lên quận.
Từ nay đến hết năm 2025, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, chúng tôi dự kiến khai thác nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó hoàn thiện hạ tầng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 63,2ha; thực hiện quy hoạch, xây dựng 5 khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ với diện tích khoảng 199ha... Tổng nguồn lực dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách huyện được hưởng sau điều tiết khoảng 9.625 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ngành của TP trong quá trình thẩm định phê duyệt quyết định giao đất, xác định giá đất cụ thể của các dự án có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện. Theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư kịp thời nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước ngay sau khi có thông báo thu nộp tiền của cơ quan thuế.
Huyện sẽ tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của TP để huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách TP, đặc biệt các cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện các dự án đáp ứng tiêu chí huyện phát triển thành quận, trong đó tập trung chủ yếu vào các dự án đường giao thông trên địa bàn.
Được biết, bên cạnh việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, tại các xã, thị trấn cũng phải hoàn thiện các tiêu chí phát triển lên phường. Đến nay, Thanh Trì đã đạt được bao nhiêu tiêu chí phát triển xã thành phường, thưa ông?
- Theo thông báo của Văn phòng UBND TP, năm 2022, hệ thống các tiêu chí phát triển xã thành phường theo Đề án xây dựng huyện thành quận được phê duyệt là 15 tiêu chí. Như vậy, tính đến thời điểm này, đối với các tiêu chí phát triển xã thành phường, huyện Thanh Trì có 10/15 tiêu chí đạt, còn 5/15 tiêu chí chưa đạt (37 lượt tiêu chí chưa đạt).
Cụ thể, tiêu chí cân đối thu chi ngân sách, còn 16/16 xã, thị trấn chưa đạt. Tiêu chí sân luyện tập, còn 6/16 xã, thị trấn chưa đạt. Tiêu chí đất cây xanh sử dụng công cộng, còn 3/16 xã, thị trấn chưa đạt. Tiêu chí diện tích đất giao thông tính trên dân số, còn 8/16 xã, thị trấn chưa đạt. Tiêu chí mật độ đường cống thoát nước chính, còn 4/16 xã, thị trấn chưa đạt.
Ngoài ra, kết quả rà soát tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng xã thành phường, theo tiêu chuẩn quy mô dân số (phường thuộc quận từ 15.000 người trở lên), diện tích tự nhiên (từ 5,5km2 trở lên), huyện Thanh Trì có 2 xã đạt cả hai tiêu chí là Tả Thanh Oai và Vĩnh Quỳnh. 7 xã đạt tiêu chí về quy mô dân số, chưa đạt tiêu chí diện tích tự nhiên; 7 xã chưa đạt cả hai tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.
Đối với các tiêu chí chưa đạt này, huyện Thanh Trì cũng đã có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!