Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảo dược cho người huyết áp thấp

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người bình thường, trị số huyết áp thường là 120/80mmHg. Nếu trị số huyết áp dưới 90/60mmHg được cho là mắc bệnh huyết áp thấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp, nếu là huyết áp thấp sinh lý có thể do di truyền, do sống ở vùng núi cao. Nếu huyết áp thấp do bệnh lý, có thể do sự suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng như: Tim, thận, suy giảm hoạt động của tuyến giáp hoặc do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế.

Ngoài ra, cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng độc chất, béo phì, suy dinh dưỡng... cũng có thể gây ra bệnh huyết áp thấp.

Y học cổ truyền có nhiều loại thảo dược có tác dụng làm tăng huyết áp như sau:

Cam thảo: Còn gọi là Bắc cam thảo, sinh cam thảo, quốc lão; tên khoa học Clycyrrhiza uralensis fish và Glycyrrhixa glabra L. Thuộc họ cánh bướm Fabaceae. Cam thảo là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây cam thảo nguồn gốc vùng Uran hay cây cam thảo châu Âu. Tên cam thảo vì cam là ngọt, thảo là cỏ tức cỏ có vị ngọt. Chất carbenoxolone dẫn chất theo con đường sinh tổng hợp của acid glycyrrhizinic - hoạt chất chiết từ rễ cam thảo - làm tăng huyết áp gián tiếp, thông qua tác dụng ức chế enzym11 - bêta - hydroxyl - steroid dehydrogenase.

Sự ức chế này làm tăng nồng độ corticosteroid nội sinh trong nội bào, gây co mạch và ứ natri. Do đó, dùng cam thảo dài ngày có tác dụng làm tăng huyết áp. Những người huyết áp thấp thì dùng tốt. Những ai bị huyết áp cao thì lưu ý nên tránh.

Hương phụ: Hay còn gọi là cỏ gấu, củ gấu, cỏ cú, sống trên đất nước lợ hoặc nước mặn. Cây mọc rải rác trong vườn, trên nương, bãi cỏ, bãi cá,... Hương phụ có vị cay, hơi đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng hành khiếu, khai uất, thông kinh, tiêu sưng giảm đau, có tác dụng tốt trong việc lưu thông khí huyết. Hương phụ được dùng để trị nhiều bệnh khác nhau như: chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mạn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh đẻ; chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy...

Hương phụ còn có tác dụng lưu thông đường hô hấp, giúp những người đang bị uất nghẹn, mệt mỏi, thở tốt hơn. Hương phụ có tác dụng hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu giúp giảm nhanh các triệu chứng của huyết áp thấp. Khí huyết điều hòa, từ đó giúp nâng chỉ số huyết áp một cách ổn định và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do huyết áp thấp gây ra như: suy giảm trí nhớ, nhũn não, tai biến mạch máu não,...

Gừng tươi (sinh khương): Có nguồn gốc từ châu Á và được trồng khắp Việt Nam, thường sống nơi đất mùn ẩm, ưa bóng. Bộ phận dùng làm thuốc của gừng là thân rễ. Khi thu hái, người ta sẽ cắt bỏ thân lá và rễ tơ, rửa sạch đất, phơi hoặc sấy khô. Gừng có vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa tốt, chữa đau bụng lạnh dạ đi ngoài.

Gừng chứa những dưỡng chất có lợi cho việc tăng cường tuần hoàn máu, giúp lưu thông máu tốt hơn như amino axit và các khoáng chất. Các chất chống oxy hóa và hợp chất như gingerol (C17H26O4), zingerzone (C11H14O3), shogaol (C17H24O3) trong gừng có tác dụng điều chỉnh huyết áp.

Quế: Có vỏ cây màu nâu, có mùi thơm…, bộ phận thường được sử dụng là vỏ cây và cành non. Công dụng và liều dùng quế chữa bệnh như sau: Vỏ quế có vị cay, ngọt, tính ấm, đi vào các kinh tâm, phế, bàng quang. Quế có tác dụng phát hãn, giải cơ, ôn thông kinh mạch, trợ dương, hóa khí, giáng khí nghịch. Dùng quế để bổ trị hỏa dương, bổ hỏa mệnh môn, dẫn hỏa quy nguyên, tán hàn, chỉ thống.

Trên đây liệt kê vài vị thuốc rất thường gặp, nó tốt cho người huyết áp thấp nhưng cần thận trọng với người có huyết áp cao.