Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/7, HĐND TP đã thảo luận tại hội trường và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm với chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng cả năm đạt 10 - 10,5%.

Cứu doanh nghiệp bằng hỗ trợ bán hàng

Các đại biểu (ĐB) nhất trí cho rằng, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay hiện đã có gói 100 tỷ đồng, song các ĐB chỉ ra "số tiền vốn rất nhỏ so với nhu cầu của doanh nghiệp mà lại còn giải ngân rất chậm, mới được hơn 17%. Đề nghị làm rõ vì sao các DN khó tiếp cận được các vốn, các loại quỹ hỗ trợ. ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm) cho rằng: Thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn và thị trường. Cùng với đó là các giải pháp để tăng tổng cầu xã hội, kích cầu đầu tư nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bởi phát triển nông nghiệp sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, bình ổn một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… đây cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn.

ĐB Nguyễn Thị Như Mai (Tây Hồ) cho rằng, thời gian qua, thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tuy nhiên cần có giải pháp để vốn ưu đãi đến được với DN công khai, minh bạch. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất, kiên quyết hạ lãi suất về dưới 15% đối với tất cả các khoản vay cũ và mới, giúp các DN giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh vừa qua giá điện tăng thêm 5% làm DN khó khăn chồng chất khó khăn.

7.745 doanh nghiệp 6 tháng đầu năm giải thể, ngừng hoạt động, nhiều công nhân mất việc làm trong khi báo cáo của thành phố là 52% lao động có việc làm. Các ĐB đề nghị UBND TP phân tích rõ hơn về cách tính này và cần có chính sách kịp thời với lao động không tiếp tục làm việc khi nhà máy chuyển ra nội đô…

Không bỏ qua các vấn đề xã hội

ĐB Mai Đức Lâm cho rằng, gần đây, trên địa bàn thành phố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, tội phạm hình sự vũ khí nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Các cuộc vận động tuyên truyền của chúng ta chưa đi vào chiều sâu nên kết quả nâng cao ý thức pháp luật chưa cao. Đơn thư khiếu nại ngày càng gia tăng nhưng chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến kéo dài… Thành phố cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Các ĐB cũng đề nghị thành phố chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm hoàn thành tiêu chí đến năm 2015 sẽ đạt 40% các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Giải trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian qua, UBND TP và các quận, huyện thường xuyên tiếp xúc để tháo gỡ khó khăn cho DN, thành phố cũng đã dành 7.000 - 8.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN về hoãn, giãn thuế. Bên cạnh đó. Quỹ xúc tiến thương mại của TP cũng sẽ dành 30 tỷ đồng hỗ trợ DN để mở các phiên chợ. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đến việc hỗ trợ DN và ổn định an sinh.

Kịch bản khả quan nhất trong cả năm 2012, mức tối đa thành phố có thể đạt mục tiêu 8 - 9% tăng trưởng kinh tế, chỉ số CPI có thể giảm xuống 6 - 7%. Nhưng đây không phải là tín hiệu tích cực mà thể hiện sự yếu kém của quản lý. Trong bối cảnh hiện nay, đạt được GDP 7,6% là một thành tích "rất tốt" rồi.

ĐB Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội Hà Nội