Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với dự án BOT cầu Thái Hà

Ánh Tuyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 3306/BGTVT-CDCTVN trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Nam về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với dự án BOT cầu Thái Hà.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Hà Nam, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa bàn hai tỉnh: Hà Nam và Hưng Yên được Bộ GTVT quan tâm đầu tư đến nay đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng để đưa vào khai thác trong năm 2023 với quy mô đường cấp II, 4 làn xe cơ giới (bề rộng nền đường B = 22,5m) đi 2 chiều riêng biệt.

Tuyến đường bộ đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho hai tỉnh nói riêng và các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng nói chung, góp phần giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông Thủ đô Hà Nội, rút ngắn thời gian, quãng đường và chi phí vận chuyển từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên,… qua Hà Nam và đi các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tuy nhiên đoạn tuyến từ nút giao ngã tư giữa đường nối 2 cao tốc với đường đầu cầu Thái Hà và ĐT.495B đến điểm đầu dự án thành phần II (thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam) với chiều dài khoảng 1,3km đi trùng dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà (BOT cầu Thái Hà) đã đầu tư mới đạt quy mô đường cấp III, 2 làn xe (chiều rộng nền đường Bn = 12m), do đó việc khai thác sẽ không đồng bộ, làm giảm năng lực vận tải, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên tuyến.

BOT cầu Thái Hà (cầu nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam qua sông Hồng) thất thu, "vỡ" phương án tài chính. 
BOT cầu Thái Hà (cầu nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam qua sông Hồng) thất thu, "vỡ" phương án tài chính. 

Do đó việc đầu tư mở rộng đoạn tuyến trên là hết sức cần thiết. Tỉnh Hà Nam đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ GTVT đầu tư mở rộng, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần họp bàn phương án giải quyết, tuy nhiên do vướng mắc về quyền lợi của nhà đầu tư dự án BOT cầu và đường hai đầu cầu Thái Hà (nối Hà Nam với Thái Bình), do đó nhà đầu tư BOT cầu Thái Hà chưa nhất trí bàn giao đoạn tuyến để đầu tư mở rộng.

Xuất phát từ các nội dung trên, cử tri trân trọng đề nghị Bộ GTVT quan tâm, báo cáo với Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với dự án BOT cầu Thái Hà để đầu tư mở rộng hoàn thiện đoạn tuyến với chiều dài khoảng 1,3Km từ quy mô Bm/Bn= 11m/12m thành Bm/Bn= 21,5m/22,5m, đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến.

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Nam, về phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3 km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam (do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023), Bộ đã có văn bản số 2711/BGTVT-CĐCTVN ngày 14/3/2024 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời kiến nghị cử tri (xin sao gửi kèm theo).

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án BOT cầu Thái Hà, từ năm 2021, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của toàn bộ dự án BOT giao thông trong phạm vi cả nước (bao gồm dự án do địa phương và Bộ GTVT quản lý) để xây dựng nguyên tắc, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông và đề xuất giải pháp cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc đối với 8 dự án do Bộ GTVT quản lý (trong đó có dự án BOT cầu Thái Hà).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ GTVT đã cập nhật, hoàn thiện giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông và có Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT ngày 8/3/2024 trình Chính phủ xem xét thông qua, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trên cơ sở giải pháp xử lý được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ GTVT sẽ phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.