Tháo gỡ rào cản thương mại cho nông sản: Còn nhiều chông gai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù một số nông sản của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận được những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Australia, tuy nhiên, theo đánh giá của các thương vụ tại nước ngoài, rào cản thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu (XK) của Việt Nam còn rất lớn.

Yếu thế

Năm 2015 đánh dấu nhiều thành công cho XK nông sản Việt Nam khi hàng loạt vấn đề kỹ thuật đã được giải quyết êm đẹp góp phần đưa trái xoài Việt vào Nhật Bản, vải tươi sang Mỹ và Australia hay nối lại XK các mặt hàng rau gia vị sang thị trường EU sau một thời gian tạm ngừng. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực gặp khó, rau quả đã vươn lên trở thành điểm sáng nổi bật với giá trị XK năm 2015 đạt 1,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với năm 2014. Điều này góp phần không nhỏ giúp ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng nhẹ khi năm mới vừa gõ cửa.
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk.  	Ảnh: Việt Anh
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. Ảnh: Việt Anh
Việc quả vải tươi vào thị trường Australia được bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Trưởng cơ quan Thương vụ tại nước này nhận định “như một kỳ tích”. Bởi từ trước ngày 17/4/2015, Australia chưa cấp phép nhập khẩu cho bất kỳ sản phẩm rau quả tươi nào của Việt Nam. Tuy nhiên, bà Thúy cũng cảnh báo, tiếp cận thị trường đã khó, việc giữ được thị trường còn khó hơn nhiều lần nếu không giải quyết được vấn đề chi phí và chất lượng nông sản. Đơn cử, chi phí chiếu xạ vải tươi của Thái Lan chỉ 0,3 USD/kg trong khi Việt Nam là 0,5 USD/kg. Hay về chất lượng, trong số hàng chục lô vải tươi xuất vào Australia, chỉ duy nhất một lô hàng được thông quan ngay, còn lại đều bị dừng lại kiểm tra vì liên quan đến yêu cầu chất lượng.

Không chỉ mặt hàng rau quả tươi, hầu hết các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam khi xuất sang thị trường quốc tế đều vấp phải khó khăn và trở nên yếu thế khi cạnh tranh. Chẳng hạn như mặt hàng cà phê, dù là nước XK đứng thứ hai thế giới (sau Brazil), song giá sản phẩm của Việt Nam luôn phụ thuộc vào giá niêm yết trên 2 thị trường London (Anh) và New York (Mỹ). Hay đối với thủy sản là rào cản về thủ tục hành chính, ghi nhãn sản phẩm, chống bán phá giá… Đại diện thương vụ Việt Nam tại nhiều khu vực cho biết, các nước đã và đang đặt ra hàng loạt rào cản “trá hình” để bảo hộ sản phẩm trong nước. Điều này đồng nghĩa với cánh cửa XK cho nông sản Việt sẽ bị thu hẹp hơn nếu không có biện pháp tháo gỡ.

Không nên đơn độc

Mặc dù đã có những thành công bước đầu trong việc tháo gỡ rào cản thương mại cho nông sản tại một số thị trường thời gian qua, song theo phản hồi từ một số tham tán thương mại và DN, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cùng giải quyết khó khăn chung còn thiếu nhịp nhàng. Với tham vọng đạt kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ở con số 31 tỷ USD vào năm 2016, ngay tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tọa đàm lắng nghe ý kiến đóng góp của các tham tán thương mại, đại diện hiệp hội, DN… để cùng tìm tiếng nói chung.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, tiềm năng XK của ngành nông nghiệp cũng như lợi thế của quá trình hội nhập vẫn chưa được khai thác hết. Để chủ động ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thương mại nông, lâm, thủy sản cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, trực tiếp là từ các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, tranh chấp phát sinh, tạo ra mạng lưới thông tin về nông, lâm, thủy sản thông suốt, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh nông nghiệp Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Việc trao đổi thông tin cập nhật về thị trường nông sản quốc tế, hóa giải thông tin bôi nhọ hình ảnh và hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại cũng là mong mỏi của nhiều DN tham gia XK nông, lâm, thủy sản. Một hình ảnh đẹp không thể quên trong năm qua là trực tiếp các tham tán thương mại của Việt Nam ra siêu thị để bán hàng, tiếp thị nông sản. Bởi vậy, nói như Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, sự phối hợp giữa ngành công thương và NN&PTNT chính là sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần